Năm 2015, các đơn vị đã tổ chức 2 vụ sản xuất, tổng diện tích là 4.230 ha, với các giống chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cua xanh. Một phần diện tích khoảng 950 ha sử dụng nuôi ngao vùng bãi bồi. Năm vừa qua, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 14.779 tấn, trong đó: Tôm sú 315 tấn, tôm rảo 199 tấn, cua xanh 335 tấn, ngao 13.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 220 tấn, thuỷ sản khác 730 tấn. Các cấp, các ngành luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ việc vệ sinh ao đầm, chuẩn bị nuôi thả đến công tác tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản, lịch thời vụ phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu sản xuất của vùng. Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi thả.
Tuy vậy, nuôi trồng thủy sản ở Kim Sơn trong năm 2015 vẫn còn nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết diễn biến phức tạp và khắc nghiệt, nhiệt độ thay đổi đột ngột gây ảnh hưởng nhất định đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm.
Trong công tác quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế; các cơ sở dịch vụ giống thuỷ sản còn nhỏ lẻ, sự gắn kết, trách nhiệm với người nuôi còn chưa cao. Công tác quản lý môi trường, chăm sóc ao nuôi của người nuôi đã có nhiều chuyển biến nhưng chưa triệt để, chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật. Công tác kiểm dịch, kiểm tra cảnh báo dịch bệnh còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu của vùng nuôi.
Các hộ nuôi còn nhiều hộ chưa quan tâm đến nguồn gốc con nuôi và yêu cầu kiểm dịch, đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân cung cấp nguồn giống vi phạm quy định.
Thực tế nguồn giống nuôi thả vẫn phụ thuộc vào nguồn giống ngoại tỉnh. Năm 2015, các cơ sở trên địa bàn không sản xuất giống tôm sú, mà chỉ sản xuất giống cua và giống ngao với số lượng ít, đáp ứng một phần rất nhỏ so với yêu cầu nuôi thả của toàn vùng.
Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nuôi trồng thủy sản của một số hộ dân còn xem nhẹ, ao nuôi còn bị rò rỉ, không giữ được nước, ảnh hưởng đến công tác quản lý ao nuôi, môi trường ao nuôi phụ thuộc vào môi trường bên ngoài, gây khó khăn trong công tác điều tiết nước chung của hệ thống. Thêm vào đó, đầu ra cho thủy sản cũng là vấn đề mà các hộ nuôi trồng luôn trăn trở. Trên địa bàn huyện chưa có cơ sở chế biến, thu mua thuỷ sản để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Khó khăn nhất trong nuôi trồng thủy sản năm 2015 tại Kim Sơn là tình trạng một số diện tích nuôi tôm sú bị chết. Đồng chí Vũ Minh Hà, cán bộ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Cuối tháng 4-2015, thời tiết giữa ngày và đêm có sự thay đổi lớn về nhiệt độ, xảy ra tình trạng tôm chết rải rác trong các ao đầm. Tổng diện tích có tôm chết rải rác là 287 ha với 583 hộ chịu ảnh hưởng.
Nguyên nhân tôm chết tại vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn được xác định là do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến môi trường nuôi bị ô nhiễm. Tuy hiện tượng tôm chết rải rác ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, trên diện tích không nhỏ, song không ảnh hưởng lớn đến giá trị kinh tế đối với các hộ nuôi trồng thủy sản nói chung.
Do vài năm trở lại đây, giống tôm thẻ chân trắng đã trở thành giống chủ lực, cho giá trị kinh tế cao, được nhân dân hưởng ứng. Giống tôm sú tuy được nuôi với diện tích lớn, song năng suất và giá trị kinh tế không cao bằng tôm thẻ chân trắng, hơn nữa, tôm bị chết rải rác, không tập trung trên một diện tích lớn nên không ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trung ở xóm 5, xã Kim Đông có diện tích khoảng 1 ha ao đầm với giống tôm thẻ chân trắng là chủ đạo. Anh cho biết: Nhìn chung, trong năm 2015, nuôi trồng thủy sản của xã nói chung, của gia đình tôi nói riêng vẫn đạt kết quả tốt. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi hơn 100 triệu đồng trong vụ tôm vừa qua. Lãnh đạo HTX thủy sản Kim Đông cho biết: Giá trị trên 1 ha canh tác tại xã năm 2015 đạt 118 triệu đồng, vụ năm nay vẫn được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2016, Kim Sơn chủ trương giữ vững diện tích nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng vấn đề cải tạo ao đầm, vệ sinh môi trường, khuyến khích phát triển các giống: cá Bống bớp, cá Mú, cá Vược và tôm thẻ chân trắng... mở rộng các mô hình nuôi quảng canh cải tiến, bán công nghiệp nhằm tăng sản lượng và giá trị kinh tế trên 1 ha canh tác.