Nuôi trồng tăng cao hơn khai thác
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản đạt 3.515.200 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 2.570.100 tấn, tăng 2,4%; tôm đạt 408.500 tấn, tăng 4,3%; thủy sản khác đạt 536.600 tấn, tăng 2,2%.
Trong đó, tăng trưởng về nuôi trồng cao hơn khai thác, nhất là khai thác biển tăng thấp nhất, đúng hướng chủ trương giảm khai thác của nước ta. Cụ thể, sản lượng nuôi trồng đạt 1.918.100 tấn, tăng 4,1%; còn sản lượng khai thác đạt 1.597.100 tấn, tăng 0,7% và trong đó khai thác biển chỉ 1.524.3000 tấn, tăng 0,6%.
Tính riêng tháng 5, sản lượng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước là cao hơn bình quân cả 5 tháng chỉ 2,6%, chủ yếu nhờ sản lượng tôm tăng 5,8%. Sản lượng tôm trong tháng 5 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do áp dụng mô hình nuôi tôm chất lượng cao hiệu quả. Trong tháng 5, sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 68.000 tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú 23.000 tấn, tăng 3,1%.
Về cá tra, sản lượng trong tháng 5 tăng so với cùng kỳ năm trước do giá cá tra nguyên liệu duy trì ở mức cao ổn định. Giá cá tra nguyên liệu trung tuần tháng 5/2024 tại vùng ĐBSCL dao động từ 27.500-28.000 đồng/kg. Xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu phục hồi nên hộ nuôi cá và doanh nghiệp điều chỉnh sản lượng nuôi phù hợp để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Sản lượng cá tra trong tháng 5 đạt 155.000 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu tăng 6,5%
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7%; cá tra gần 755 triệu USD, tăng 3%; đặc biệt có cá ngừ đạt gần 397 triệu USD, tăng 25%; cua ghẹ đạt 101 triệu USD, tăng 84%. Tuy nhiên, xuất khẩu cá biển chỉ đạt 742 triệu USD, giảm 3% và mực bạch tuộc đạt 236 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ.
Sản lượng tôm cá xuất khẩu có dấu hiệu tăng dần ở 5 tháng đầu năm 2024
Về thị trường, nhìn chung các thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục dần về cả nhu cầu và giá nhập khẩu. Tính tới cuối tháng 5, thị trường Mỹ vẫn dẫn đầu với mức tăng trưởng 13% đạt 635 triệu USD; còn Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tăng 3 – 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong điểm sáng về xuất khẩu tôm, tỉnh Bạc Liêu ở vị trí hàng đầu cả nước. Cục Thống kê tỉnh cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm đông lạnh đạt gần 354 triệu USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tôm chiếm 96% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và chiếm hơn 27% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Vào năm 2023, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bạc Liêu cán mốc 1 tỷ USD, trong đó mặt hàng tôm đạt 973 triệu USD, chiếm hơn 97%.
Ở tỉnh Bạc Liêu hiện có 45 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu (chủ yếu tôm), với dây chuyền thiết bị hiện đại và công suất thiết kế 294.000 tấn/năm. Các thị trường truyền thống là Nhật Bản, EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Duy trì mục tiêu trở thành “Trung tâm công nghiệp tôm của cả nước”, xây dựng thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu”, tỉnh tập trung phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích từ nông hộ. Toàn tỉnh Bạc Liêu đang có 11 doanh nghiệp và 806 hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh; nuôi 2, 3 giai đoạn với diện tích 2.134 ha. Tỉnh đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và tuyển chọn được 9 doanh nghiệp đầu tư. Các cơ quan chức năng của Bạc Liêu chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.