Anh Trần Ngọc Trai (xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) có 15.000m2 mặt nước nuôi tôm. Toàn bộ diện tích này trước đây dùng để sản xuất thâm canh lúa - tôm. Ba năm trở lại đây, anh đã chuyển toàn bộ sang đầu tư nuôi tôm càng xanh.
Từ giữa năm 2017 đến nay, làn sóng chuyển đất lúa sang nuôi tôm diễn ra ồ ạt tại huyện Châu Thành. Hàng trăm ha đất lúa hoặc luân canh lúa - tôm được người dân đào ao để nuôi tôm thẻ, tôm càng xanh. Phong trào này vẫn đang diễn ra rầm rộ và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chỉ trong khoảng một năm, diện tích nuôi tôm tại huyện Châu Thành đã tăng hơn hai lần, từ 600ha lên 1.350ha. Sự phát triển nóng, thiếu kiểm soát trong khi hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư khiến môi trường nước bị ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Xã Long Hòa, Châu Thành, Trà Vinh cho biết: "Nuôi tôm thì cứ bơm rồi xả nước nên càng ngày càng ô nhiễm và ảnh hưởng khi có người xả ra và có người lại bơm nước vô thì lại bị dịch bệnh gây thiệt hại."
Ông Nguyên Thanh Thưởng, Phó Chủ Tịch Xã Châu Thành, Trà Vinh: "Khuyến cáo nuôi tôm 2 giai đoạn, tức là 2 đến 3 tháng đầu mình ương trong ao nhỏ, sau khi cắt lúa thì đem ra ruộng nuôi, như vậy thì sẽ đảm bảo hơn trong phát triển sản xuất."
Theo người dân trong vụ nuôi năm 2017 vừa qua, ở một số diện tích tôm đã bị chết do môi trường nước không đảm bảo. Đây chỉ là những thiệt hại ban đầu. Về lâu dài, những ảnh hưởng sẽ còn lớn hơn nếu diện tích mặt nước nuôi tôm tiếp tục phát triển nóng, thiếu kiểm soát.