Bỏ xứ đi làm thuê vì... tôm
Hơn 16 năm trước, nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để ngăn dòng sông Ba Lai, “ngọt hóa” hơn 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp vùng bắc Bến Tre thuộc các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm và TP.Bến Tre. Nhờ đó, người dân trong vùng không còn cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất trong 6 tháng mùa khô. Những mảnh vườn dừa, vườn chuối, bưởi da xanh... đã dần thế chỗ những loài cây hoang dại (mắm, vẹt, dừa nước...) ở vùng đất này.
Thế nhưng, vào khoảng năm 2010, khi những vườn cây ăn trái ở vùng đất ngọt hóa bắt đầu cho thu nhập ổn định thì những người chuyên nuôi tôm ở vùng mặn thuộc các huyện Bình Đại, Ba Tri... đã đến thuê mướn đất vườn của những hộ neo đơn với giá cao chót vót để đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng, do môi trường vùng nuôi ven biển ô nhiễm nặng nề, tôm nuôi chết liên tục hết vụ này sang vụ khác. Chỉ trong nửa năm, vùng ngọt hóa bắc Bến Tre trở thành “cây lành” giúp người nuôi hái được tiền tỉ.
“Chuyện trúng tôm tiền tỉ lan ra rất nhanh khiến người dân trong vùng ngọt hóa thi nhau phá vườn, đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm để được... đổi đời. Thấy người nuôi tôm biển là có xe mới, nhà tường khang trang, giữa năm 2011, tôi lấy hết tiền tích lũy từ việc bán dừa, bán cá, làm thuê trong nhiều năm và vay thêm được tổng cộng hơn 400 triệu đồng đầu tư ao rộng hơn 4.000 m2... để nuôi tôm thẻ chân trắng với hy vọng kiếm được tỉ đồng làm vốn rồi nghỉ”, ông Hứa Thanh Hoàng (40 tuổi, ngụ xã Phú Long, H.Bình Đại) kể.
Giữa năm đó, ông Hoàng thả đợt giống đầu tiên, hòa vốn vì tôm chậm lớn. Tính đến đầu năm 2016, ông Hoàng nuôi được tất cả 12 vụ, trong đó 3 vụ lãi nhẹ, còn lại toàn lỗ và hòa vốn. Nợ nần chồng chất, ông đành phải cho thuê ao tôm để cấn trừ nợ, rồi khăn gói lên TP.Bến Tre ở trọ, đi làm tiếp thị nuôi thân và dành dụm tiền trả nợ.
Anh Lê Khắc Hậu (ngụ xã Phú Long, H.Bình Đại) đã phải bán hơn 25 công đất ông bà để lại để trả nợ, sau nhiều vụ nuôi tôm bị thua lỗ. “Ở xứ này, cứ 100 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thì có đến 99 hộ vướng nợ nần. Nợ tứ giăng từ các đại lý thức ăn, phân thuốc, xăng dầu đến nợ người thân, ngân hàng... Nhưng càng mắc nợ càng phải lao vào nuôi tôm để kiếm tiền trả nợ, nên nợ lại thêm chồng chất”, anh Hậu cho biết.
Quyết bám tôm để gỡ nợ
Sau mấy năm hồ hởi phá vườn cây ăn trái để đào ao nuôi tôm, số người giàu lên cũng có nhưng số người bỏ xứ tha phương cầu thực cũng không ít. Bằng chứng là hàng loạt các vuông tôm sâu hoắm bị bỏ “bơ vơ” tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm vì chủ nhân không còn khả năng đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất. Cùng với đó là hệ quả của việc xả thải vô tội vạ từ các ao tôm ra môi trường khiến dòng sông Ba Lai “oằn” mình hứng chịu.
Mặc dù ngay từ khi phong trào khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm trong vùng ngọt hóa rộ lên, chính quyền các cấp tỉnh Bến Tre đã quyết liệt vào cuộc, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được. Tại 2 huyện Ba Tri và Bình Đại, lực lượng chức năng đã truy lùng phá hủy hàng ngàn giếng khoan lấy nước mặn, buộc ký cam kết không tái phạm, thậm chí xử phạt hành chính... nhưng kết quả không như mong muốn. “Nhà nào cũng có từ 2 giếng khoan trở lên. Giếng “dã chiến” thì làm lộ thiên để chính quyền dễ phát hiện, phá hủy; còn giếng khoan dùng để bơm nước mặn lên nuôi tôm được người dân giấu kỹ trong nhà, không dễ gì phát hiện được”, anh Lê Khắc Hậu (ngụ xã Phú Long, H.Bình Đại) cho biết.
Mặc dù hơn 25 công đất ông bà để lại đã “bay” mất sau mấy vụ tôm lỗ lã, nhưng anh Hậu nói rằng mình không thể bỏ nghề nuôi tôm. “Nói thật, tôi hiện chỉ còn nuôi 3 ao và tôi cũng muốn hết tin con tôm thẻ chân trắng sẽ giúp mình đổi đời. Tôi giờ chủ yếu làm lưới kéo tôm thuê và vẫn cứ tiếp tục nuôi tôm với hy vọng tôm trúng sẽ trả được nợ. Bởi nếu không nuôi tôm thì làm gì có tiền trả nợ đây”, anh Hậu chia sẻ.
Yêu cầu lấp giếng khoan
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, cho biết qua thống kê sơ bộ, trong 4 tháng đầu năm 2018, chỉ riêng H.Bình Đại đã có 1.509 hộ khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm với diện tích trên 538 ha. “Bộ NN-PTNT đã kết luận việc nuôi tôm trong vùng ngọt hóa hiệu quả và tính bền vững không cao. Nếu nuôi thì cũng chỉ được vài năm, hậu quả lâu dài là ảnh hưởng đến môi trường, đất sản xuất. Đặc biệt, việc người dân khoan giếng lấy nước mặn từ tầng ngầm để nuôi tôm, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường tầng nước ngọt, dẫn đến lún đất, nhiễm mặn vùng ngọt hóa”, ông Buội nói.
Cũng theo ông Buội, để hỗ trợ, định hướng cho các hộ thua lỗ trong nuôi tôm biển ở vùng ngọt hóa, 5 năm qua ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều mô hình kinh tế thay thế con tôm nước mặn, như nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi cá rô đầu vuông, trồng mãng cầu xiêm, bưởi da xanh, trồng mới vườn dừa... Tuy nhiên, các nỗ lực trên đều bị người dân quay lưng sau 2 vụ tôm nuôi có lợi nhuận khá trong năm vừa qua.
Mới đây, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định mặc dù việc ngăn chặn người dân nuôi tôm ngoài vùng quy hoạch gặp khó khăn nhưng chính quyền các cấp vẫn sẽ kiên trì, không để tình trạng này gây nguy cấp cho môi trường. “UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT, Sở NN-PTNT tiếp tục kết hợp với các huyện, xã thông báo cho người dân đến mùa mưa tới phải đóng lấp các giếng khoan, cam kết không tái diễn việc khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm. Ngoài ra, cấm không cho người dân hạ thế điện để nuôi tôm trong vùng ngọt hóa”, ông Lập nói.