Số lượng lồng nuôi tăng vọt
Cuối năm 2018, anh Đinh Văn Tiêu cùng một số hộ dân ở thôn Khánh Hội, xã Nam Đồng lên Cục Đường thủy nội địa (Hà Nội) để xin cấp phép nuôi cá lồng trên sông Thái Bình. Sau khi được cấp phép, các hộ này tiếp tục viết đơn đề nghị UBND xã An Châu cho phép thả lồng nuôi cá trên sông. "Chúng tôi đã thuê kỹ sư lập sơ đồ chi tiết về vị trí đặt lồng bè, chỉ cần không ảnh hưởng đến cửa cống tiêu thoát nước, công trình bảo vệ đê điều là được chấp thuận. Tôi đang đợi tỉnh cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi thủy sản lồng bè".
Trên địa bàn xã An Châu, từ năm 2015 đã bắt đầu có các lồng nuôi cá nhưng đến năm 2018 mới phát triển mạnh. Hiện cả xã có 10 hộ nuôi với hơn 100 lồng cá. Theo ông Bùi Quang Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã An Châu, các hộ đều được Cục Đường thủy nội địa chấp thuận nên chính quyền địa phương đã đồng ý cho họ đặt lồng. "Xã yêu cầu các hộ viết đơn nêu rõ kỹ thuật nuôi cá, có cam kết bảo vệ môi trường, thu gom xử lý cá chết, cám thừa, bảo đảm an toàn và tự chịu trách nhiệm khi có bão lũ xảy ra. Chúng tôi đang yêu cầu các hộ hoàn thiện thủ tục để gửi lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin cấp giấy xác nhận", ông Tuyến nói.
Trước đây, theo quy hoạch nuôi cá lồng của tỉnh, đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển hơn 500 lồng nuôi cá trên sông Thái Bình. Từ đầu năm 2019, tỉnh đã bỏ quy hoạch do không còn phù hợp. Việc cấp giấy xác nhận nuôi cá lồng bè cũng đơn giản hơn so với trước. Theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đăng ký nuôi thủy sản lồng bè chỉ bao gồm đơn đăng ký, giấy phép hoạt động nuôi thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, sơ đồ mặt bằng vị trí lồng nuôi có xác nhận của chủ hộ. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người nuôi gửi lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được cấp phép.
Bà Đỗ Thị Thu, Phó Trưởng Phòng Kinh tế TP Hải Dương cho biết: "Trước đây, để được cấp phép các hộ phải có xác nhận của thành phố nhưng nay thủ tục này đã bị bỏ. Việc cấp phép đơn giản, thuận tiện cho người dân nhưng lại gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Hằng năm, thành phố đều có văn bản khuyến cáo gửi các địa phương yêu cầu không phát triển lồng nuôi cá trên sông do tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng số lượng lồng nuôi cá vẫn tăng vọt. Quy hoạch nuôi cá lồng bị bỏ, thủ tục cấp phép dễ dàng nên chúng tôi chưa có căn cứ nào để quản lý các hộ nuôi cá lồng bè".
Từ đầu năm đến nay, TP Hải Dương đã phát sinh hơn 100 lồng nuôi cá, nâng tổng lên gần 1.000 lồng. Trong số này mới chỉ có 3 hộ được tỉnh cấp phép nuôi. Các hộ còn lại đều nuôi tự phát. TP Hải Dương đã yêu cầu các địa phương rà soát lại số lượng các lồng nuôi cá và hoàn thiện thủ tục để được cấp phép.
Tiềm ẩn rủi ro
Cá chết được các hộ sử dụng làm thức ăn cho các lồng nuôi khác nên dễ phát sinh dịch bệnh
Anh Đinh Văn Tiêu là một trong những người đầu tiên ở xã Nam Đồng phát triển nghề nuôi cá lồng bè. Trước đây, anh nuôi cá lồng ở khu vực của xã Nam Đồng, nơi có nhiều hộ cùng nuôi nhưng do lo sợ dịch bệnh nên anh đã chuyển lồng đến vị trí khác. Theo anh Tiêu, khi mật độ đặt lồng lớn, khoảng cách giữa các lồng, cụm đặt lồng chưa được tính toán kỹ lưỡng, cá nuôi dễ có nguy cơ mắc dịch bệnh do lắng đọng chất thải, thức ăn thừa của cá. Chưa kể, một số hộ nuôi cá chạy theo phong trào, chưa trang bị đủ kiến thức về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá. Cá chết không được thu gom và xử lý theo đúng quy trình mà lại sử dụng làm thức ăn cho các lồng nuôi cá khác nên dễ lây lan dịch bệnh.
Anh Bùi Văn Thiện nuôi cá lồng ở phường Ngọc Châu cho biết: "Mỗi lồng nuôi cá lăng sau khi trừ chi phí, người nuôi lãi khoảng 100triệu đồng; cá điêu hồng thu lãi hơn 40triệu đồng/lồng. So với nuôi cá ở ao thì nuôi lồng bè mang lại giá trị kinh tế lớn hơn". Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng lồng nuôi cá tăng nhanh. Nuôi cá lồng bè lãi lớn nhưng cũng tiềm ần nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa bão. Thời điểm này, nước chảy xiết mang theo nhiều rác, lượng phù sa trên thượng nguồn cộng với lượng chất thải tồn đọng trong lồng nên cá nuôi thường không kịp thích ứng với môi trường, dễ bị dịch bệnh.
Thực tế, không ít hộ nuôi cá lồng đã từng bị thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh. Trong mùa mưa bão năm 2015, lồng cá của gia đình ông Nguyễn Trung Tựu (xã Nam Tân) và anh Nguyễn Hữu Toản (xã Thanh Quang) cùng ở huyện Nam Sách và một số hộ dân khác đã bị trôi sông, thiệt hại hàng tỷ đồng. Tháng 10.2015, Trung Quốc xả lũ bất thường làm nước sông Kinh Thầy, Thái Bình có lượng phù sa tăng đột biến khiến cá lồng của một số hộ dân ở các xã Nam Tân (Nam Sách) và Nam Đồng (TP Hải Dương)... bị chết.
Hiện nay, việc nuôi cá lồng ở các địa phương vẫn trong tình trạng tự phát theo hình thức "lời ăn, lỗ chịu". Để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, tỉnh cần có định hướng phát triển nghề nuôi cá lồng phù hợp. Bên cạnh đó, việc cấp phép cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng, không để các hộ phát triển ồ ạt, khó kiểm soát như hiện nay.