Nghiên cứu tập trung vào ấu trùng của các loại thủy sản đã phát hiện rằng những ấu trùng này đang lớn lên trong một môi trường đầy rác thải nhựa. Các loài thủy sản bị ảnh hưởng gồm nhiều loài từ nhiều môi trường sống khác nhau của đại dương. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu khi các loài thủy sản non tìm kiếm thức ăn ở khu vực bề mặt đại dương.
Các nhà nghiên cứu phát hiện nhiều ấu trùng trong các vùng bề mặt tĩnh (surface slicks), những vùng xuất hiện tự nhiên, hình dải băng ở nơi nước tĩnh trên bề mặt đại dương. Khu vực này tập trung nhiều ấu trùng vì có sự tích tụ của nhiều sinh vật phù du, nguồn thức ăn quan trọng của ấu trùng. Tuy nhiên, các vùng bề mặt tĩnh này cũng có rất nhiều rác thải nhựa đại dương trôi nổi.
Tiến sĩ Jonathan Whitney, một nhà sinh thái biển thuộc NOAA, đồng thời cũng là một trong những trưởng nhóm của nghiên cứu cho biết nhóm nghiên cứu đã bị sốc khi phát hiện rất nhiều mẫu thủy sinh bị chi phối bởi rác thải nhựa.
Mật độ rác thải nhựa tại các vùng bề mặt tĩnh này ở khu vực Hawaii trung bình cao gấp 8 lần mật độ rác thải nhựa được tìm thấy tại Đảo rác Thái Bình Dương (Great Pacific Garbage Patch). Sau 100 lần nghiên cứu thực địa, các nhà khoa học phát hiện rằng, rác thải nhựa trong vùng bề mặt tĩnh cao hơn 126 lần so với vùng bề mặt đại dương cách đó chỉ vài trăm thước Anh. Trong khu vực những vùng bề mặt tĩnh lượng rác thải nhựa nhiều gấp 7 lần thủy sản non.
Phần lớn rác thải nhựa được tìm thấy trong các vùng bề mặt tĩnh có kích thước rất nhỏ (dưới 1 mm). Trong khi đó, thủy sản non ưa thích những sinh vật phù du có kích thước tương tự như thế. Do đó, khi phân tích các mẫu ấu trùng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng, nhiều loại thủy sản non đã tiêu hóa các hạt nhựa.
"Chúng tôi đã tìm thấy những mảnh nhựa nhỏ trong ruột của các loài cá nổi có mục đích thương mại như cá kiếm, cá mahi-mahi (cá nục heo), cũng như cá bò (triggerfish)”, TS. Whitney cho biết thêm.
Theo Telegraph