Hồ Ba Bể (Việt Nam), Inle (Myanmar) và Biển Hồ (Campuchia) là những nơi chúng tôi từng đến.
Ngọc xanh giữa đại ngàn
“Đã đến Bắc Kạn (miền Bắc Việt Nam), không thể không đến Hồ Ba Bể. Đó là nơi được nhắc đến trong kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam, nó là ngọc xanh giữa đại ngàn” - những người bạn quốc tế của chúng tôi đã nói như thế về Hồ Ba Bể. Nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể thuộc địa phận xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, Hồ Ba Bể là hồ tự nhiên trên núi đá vôi với các hang động Karst biến nơi đây thành danh lam thắng cảnh kỳ thú không những nổi tiếng tại Việt Nam mà còn được biết đến trên toàn thế giới. Người Việt Nam chắc hẳn không ai quên “Sự tích Hồ Ba Bể” trong chương trình văn học cấp tiểu học. Những người già kể lại rằng, cái tên của hồ bắt nguồn từ sự tích hình thành hồ lớn trên núi từ 3 hồ Pó Lầm, Pó Lù và Pó Lèng. Trên cao nhìn xuống, sông Trò Lèng và suối Tả Han như những dải lụa xanh óng ả uốn lượn ven hồ lớn. Cao nguyên Karst, thác Đầu Đẳng, động Tiên và gò An Mã… từng đi vào thơ ca Việt Nam, tạo nên truyền thuyết về chốn tiên cảnh giữa núi rừng Đông Bắc. Chúng tôi được những người dân xứ sở kể về lễ hội mùa xuân hằng năm ở Hồ Ba Bể. Cứ đến ngày mùng 9 tháng giêng hằng năm, du khách lại về đây tham dự hội xuân. Những hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang đậm màu sắc tâm linh như Lễ rước kiệu đền An Mã như một nét đẹp độc đáo ít nơi có.
Hồ nước Ba Bể xanh trong, ấm áp. Và trên dặm đường thưởng ngoạn Hồ Ba Bể, điểm nhấn là những chiếc thuyền độc mộc được chèo bởi các cô gái Tày trong bộ đồ đen tuyền truyền thống. Và nếu may mắn, bạn có thể nghe các nàng hát then và tiếng đàn tính mang hồn thiêng sông núi - kho tàng văn hóa nghệ thuật lâu đời của cộng đồng dân tộc thiểu số từ bao đời nay vẫn được giữ gìn trên từng mạn thuyền, con nước. Hồ Ba Bể từ lâu đã được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt nhất thế giới. Những du khách lần đầu tiên tới đây sẽ mãi thích thú khám phá những điều kỳ bí hoang sơ trong câu chuyện kể mang đậm sắc màu huyền thoại bên hồ.
Làm xì gà ở hồ Inle.
Mộng mị Inle
Bỏ qua náo nhiệt của những ngày Sea Games trên đất Myanmar, chúng tôi chọn “Inle Lake” - một địa danh có sức quyến rũ đặc biệt ở đất nước này. Hồ Inle nằm lọt thỏm trong ngọn đồi Shan nơi có rất nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Inle rộng 116km2 và nằm ở độ cao 880m. Tuy không phải là hồ có diện tích lớn nhất ở Myanmar nhưng Inle lại luôn được ưu ái chọn là nơi dừng chân của du khách.
Muốn đến Inle, bạn phải ghé qua thị trấn Nyaung Shwe của thành phố Heho (bang Shan, miền Nam Myanmar). Thị trấn này cũng là nơi nhiều khách du lịch chọn làm điểm dừng chân để tiết kiệm chi phí. Hồ Inle nối với khu Nyaung Shwe bằng một dòng kênh lớn. Mỗi ngày, ghe thuyền chở cá tôm, cà chua, rau quả... từ các ngôi làng ven hồ qua dòng kênh lớn vào thị trấn và chở hàng hóa thực phẩm theo hướng ngược lại. Người dân sống, sinh hoạt, trồng trọt ngay trên mặt nước hồ luôn rất trong và tĩnh lặng. Càng đi sâu vào trong hồ, càng có nhiều chiếc thuyền độc mộc nhỏ bé như chúng tôi từng thấy ở Hồ Ba Bể. Nhưng lạ ở chỗ, những người ngư dân hồ Inle với kiểu chèo thuyền bằng một chân độc đáo trong khi hai tay thì thoăn thoắt gỡ lưới, buông lưới. Chúng tôi ghé qua một gia đình làm nghề dệt lụa. Dân hồ Inle dệt lụa bằng một chất liệu cực kỳ độc đáo là tơ từ thân cây sen. Những người phụ nữ lớn tuổi ngồi bẻ thân sen làm đôi và chuốt lấy những sợi tơ mỏng manh để dệt lụa. Tất cả đều làm tỉ mỉ bằng tay. Nhưng dân hồ Inle còn nổi tiếng với việc làm xì gà. Mùi thơm phức từ những mẹt xì gà xồng vào mũi khi chúng tôi ghé gia đình làm xì gà. Bà chủ nhà mời khách rồi tự tay châm lửa cho mình, vừa hút bà vừa giảng giải về xì gà Inle. Xì gà Inle là một hỗn hợp của thuốc lá, me, mật ong, chuối, rượu, muối, đường nâu cuốn trong lá thuốc lá trồng ở đỉnh núi gần đó. Khi hút có mùi thơm rất dễ chịu và vị ngọt đọng ở đầu lưỡi. Chúng tôi cực kỳ yêu thích cái khoảnh khắc được ngồi ở đấy, lẫn vào trong những câu chuyện giản dị, lẫn vào những tiếng cười, lẫn vào vị trà thơm phức và lẫn vào trong làn khói xì gà ngọt ngào.
Ngoài tour đi thuyền trên hồ, khách đến Inle thường chọn tour trekking (đi bộ với người dẫn đường) đến các ngôi làng của người Shan hoặc ngôi làng Padaung của người dân tộc cổ dài nổi tiếng. Không nhộn nhịp như Yangon, không đền đài chùa tháp như Bagan, hồ Inle níu chân du khách theo một cách rất riêng, nhẹ nhàng mà quyến luyến.
Cách bắt cá trên hồ Inle (Myanmar).
Biển hồ lai láng
Biển Hồ là theo cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước khiến không thấy bến bờ. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và đã được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nằm cách trung tâm thành phố Siem Riep, Campuchia chừng 30 phút chạy ô tô, con đường gập ghềnh bụi đỏ, mấp mô đất đá dẫn về Biển Hồ vẫn đầy du khách. Phần lớn du khách người Việt, một phần vì tò mò, một phần muốn biết đời sống của những lưu dân Việt trên đất này. Chúng tôi không chắc câu ca dao từ vỡ lòng “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/ Con nuôi cha mẹ đong tháng tính ngày” có phải từ so sánh lòng cha mẹ với hồ nước ngọt ở Campuchia rộng không thấy bến bờ này không? Dù không liên quan gì đi nữa, đã đến và đi trong mênh mông rộng lớn Biển Hồ, nơi lưu dân Việt sinh sống, ai cũng sẽ thấy nỗi buồn mang mang như âm hưởng của câu ca ấy. Nhiều du khách người Việt đã từ chối tour thăm Biển Hồ vì sợ buồn. Nhưng thử bỏ qua nỗi buồn tha hương, sống không gia đình của cộng đồng người Việt ở Biển Hồ, đó là hồ nước ngọt khá thú vị ở khu vực Đông Nam Á. Biển Hồ có chiều dài 80km và chiều rộng 40km, lấy nước từ một cánh tay của sông Mekong. Vào mùa khô từ tháng 11 đến tháng 5, Biển Hồ khá đẹp và nông, chỉ sâu khoảng 1 - 4m, với diện tích khoảng 10.000km2. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6, sông Tonle Sap chảy ngược dòng tiếp nước từ nước hồ dâng cao và diện tích hồ mở rộng tới 16.000km2, có thể sâu đến 9m gây ngập lụt và cây cối trong toàn khu vực.
Trường học ở Biển Hồ dạy chữ miễn phí cho học sinh. Và đây chính là nơi cần đến nhất ở Biển Hồ nếu bạn là người Việt. Chỉ đơn giản là nghe các em ở đây hát Quốc ca Việt Nam, nghe câu chuyện lập trường dạy chữ Việt trên đất Campuchia của thầy giáo Trần Văn Tư, và để vui cùng các em trong những phần quà bé nhỏ mang theo từ quê nhà. Đi thêm một đoạn nữa, Biển Hồ không có cả đường chân trời, mênh mông như đại dương. Và ở đó, cuộc sống cứ thế lờ lững trôi đi...