Ông Mười cho biết: Gia đình có 10 nhân khẩu, 2 công ruộng sản xuất lúa 3 vụ/năm, hiệu quả kinh tế thấp không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Năm 1978, nước lũ tràn đồng, ông Mười đào 2 công ruộng, lấy đất tôn cao nền nhà. Ông nghĩ, gia đình ít đất, con đông phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế mới hy vọng thay đổi cuộc sống. Sau khi nước lũ rút, tận dụng ruộng sâu ông Mười mua cá giống về ương thử nghiệm. Do nguồn vốn có hạn, không đủ tiền mua thức ăn, hàng ngày ông lặn lội khắp các cống rãnh, lấy công làm lời vớt trứng nước và trùn chỉ làm thức ăn cho cá. Đây là nguồn thức ăn bổ dưỡng có sẵn trong tự nhiên, cá ưa chuộng và tăng trưởng nhanh.
Thời gian này, ít người ương cá giống, thị trường tiêu thụ mạnh, cá ương không đủ bán, trúng mùa, được giá, lợi nhuận cao. Do nhu cầu ương cá giống tăng, năm 1982, dành dụm số vốn ông chuyển sang ương cá tai tượng đẻ cho đến nay. Với 2 công đất , ông đào 4 ao, mỗi ao khoảng 200m2, thả 60 con/ao, bình quân 4 cá mái thả 1 cá trống để cá đẻ đạt tỷ lệ cao. Tháng 10 âm lịch vét ao, bón vôi khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh và các đối tượng gây hại trứng khi cá đẻ, dùng xơ dừa thả xuống ao để cá làm tổ, hàng ngày, xuống mương thăm tổ và vớt trứng lên.
Theo ông Mười: "Cá đẻ khoảng 7 lần/năm, từ tháng 10 đến tháng 6 âm lịch, tùy theo điều kiện ao nuôi và khả năng cung cấp thức ăn cho cá, 4 năm đổi giống bố mẹ một lần bởi nếu để cá đẻ quá tuổi thì năng suất sẽ thấp. Bình quân cá đẻ từ khoảng 1 vạn trứng/tổ, tùy theo tuổi đời của cá bố mẹ. Sau khi cá đẻ, vớt trứng lên thau ương 3 ngày trứng nở, khoảng 1 tuần bán cá bột. Thông thường, đầu vụ giá cá bột ở mức cao, từ 260-280.000 đ/vạn con, với giá này nông dân ương cá tai tượng đẻ thu lợi nhuận khá, giá cá bột ở mức 100.000 đ/vạn là đã có lãi".
Mặc dù, nghề ương, ép cá giống đôi lúc đầu ra không ổn định, nhiều hộ làm ăn thua lỗ, nhưng ông vẫn duy trì được nghề ương cá tai tượng đẻ từ nhiều năm nay. Bởi lẽ, ông xác định đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, bằng mọi giá phải theo nghề, làm kinh tế chuyện rủi ro là điều không tránh khỏi, điều quan trọng phải yêu nghề và có tâm huyết.
Thật vậy, nhờ áp dụng đúng các qui trình kỹ thuật trong chăn nuôi, thiết kế ao thoáng, nguồn nước hợp vệ sinh, chọn thức ăn phù hợp, chủ yếu là dùng rau xanh và các phụ phẩm trong nông nghiệp và qua tích lũy kinh nghiệm những bệnh thường gặp trên cá, ông chủ động phòng trị có hiệu quả, hạn chế rủi ro. Chủ động thị trường, khi đầu ra không ổn định ông chuyển sang ương cá giống hoặc nuôi cá thịt. Với cách làm này, ông có nguồn cá giống bố mẹ hậu bị dồi dào, thay đổi thường xuyên, giúp cá đẻ năng suất năm sau cao hơn năm trước, trừ chi phí ông thu lãi 40 triệu đồng/năm, xây dựng nhà ở khang trang, sang thêm 5 công đất lên ao ương cá đẻ. Hiện tại, gia đình ông có 10 ao ương cá tai tượng đẻ, trên 300 cá mái, cá đẻ rộ, 9-10 tổ/ngày. Ngoài các ao ương cá, ông còn tận dụng bờ ao để trồng rau xanh làm thức ăn cho cá và cây ăn trái, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Hiện các con của ông đã lập gia đình và có cơ ngơi ổn định.
Chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chọn vật nuôi phù hợp, ông Huỳnh Văn Mười, ở ấp Mỹ Lợi, xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống thật đáng biểu dương.