Một nhóm thợ lặn thuộc Viện Nghiên cứu Biển và Nam cực (IMAS) phát hiện quần thể cá tay đỏ thứ hai ở ngoài khơi Tasmania sau khi trông thấy một cá thể lang thang dưới đáy biển, Mother Nature Network hôm qua đưa tin.
Cá tay đỏ (Thymichthys politus) là loài cá nhỏ chuyên len lỏi đi bộ dọc đáy biển ở vịnh Frederick Henry phía đông nam Tasmania. Những chiếc vây đỏ đặc trưng của chúng trông rất giống bàn tay. Phạm vi phân bố của chúng khá nhỏ, tương đương kích thước hai sân tennis, khiến việc tìm kiếm loài cá này và môi trường sống của chúng trở nên khó khăn. Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng chỉ có 20 - 40 cá thể còn tồn tại.
Nguồn: Australian Museum
“Chúng gần như là loài cá hiếm nhất thế giới”, nhà khoa học Rick Stuart-Smith ở IMAS, cho biết. “Phát hiện quần thể thứ hai có ý nghĩa to lớn, làm tăng gấp đôi số lượng cá tay đỏ sót lại trên hành tinh”.
IMAS cộng tác với dự án khoa học tình nguyện Khảo sát đời sống ở dải đá ngầm (RLS) để tiến hành chuyến lặn khảo sát khu vực cách nơi sinh sống của quần thể cá tay đỏ đầu tiên vài kilomet trong hai ngày.
“Chúng tôi lặn trong khoảng 3 tiếng rưỡi. Tất cả chúng tôi nhìn nhau và nghĩ chuyến đi này có vẻ không hứa hẹn. Đồng nghiệp của tôi bảo các thợ lặn khác chuẩn bị ngoi lên. Đúng lúc đó, tôi vạch một đám tảo và trông thấy con cá tay đỏ”, Antonia Cooper, nhân viên kỹ thuật của IMAS và RLS, chia sẻ.
Phát hiện khiến các nhà khoa học rất phấn khởi bởi môi trường sống của quần thể cá tay đỏ mới hơi khác với quần thể được biết tới trước đó, một điều rất có ý nghĩa với sự tồn tại của loài động vật vô cùng nguy cấp này. “Chúng tôi đã học hỏi được nhiều điều nhờ phát hiện quần thể thứ hai bởi môi trường sống của chúng không giống hệt quần thể đầu tiên, nhờ đó chúng tôi biết cá tay đỏ không phụ thuộc hoàn toàn vào một loạt điều kiện cố định”, Stuart-Smith nói.