Loài rùa lá mata mata với chiều dài có thể đạt đến 53cm có thói quen ẩn mình trong lớp bùn sâu dưới nước, chúng thường nằm yên như những tảng đá lớn bám đầy rong rêu kiên nhẫn chờ các động vật nhỏ đi ngang để thình lình tấn công và đớp trọn con mồi. Mặc dù những con rùa này được biết đến rộng rãi do ngoại hình kỳ quái và hành vi săn mồi của chúng, nhưng lại rất ít thông tin về sự biến đổi và di truyền của chúng.
Từ trước đến nay, người ta vẫn cho rằng chi Chelus chỉ gồm một loài duy nhất là rùa lá mata mata (Chelus fimbriatus). Nhưng dựa trên các phân tích di truyền, loài rùa này có thể được chia thành hai hoặc nhiều loài độc lập. Một số nghiên cứu đã chỉ ra những con rùa mata mata trông khác nhau ở sông Orinoco so với lưu vực sông Amazon. Dựa trên quan sát này, các nhà khoa học đã quyết định xem xét kỹ hơn về cấu trúc di truyền của những con rùa này.
Sau khi phân tích 75 mẫu DNA, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trái với các giả định trước đây, thực tế có hai loài rùa lá mata mata khác biệt về mặt di truyền và hình thái . Các loài mới có tên khoa học là Chelus orinocensis sinh sống trên các lưu vực Orinoco và Río Negro, trong khi loài Chelus fimbriata chỉ sinh sống ở lưu vực sông Amazon.
Loài rùa lá mata mata mới Chelus orinocensi
Theo nghiên cứu, hai loài đã tách ra trong thế Miocen, khoảng 13 triệu năm trước. Trong thời kỳ này, lưu vực sông Amazon-Orinoco bắt đầu tách ra thành hai lưu vực sông được biết đến ngày nay. Nhiều loài động vật sống dưới nước cũng tách ra về mặt không gian và bắt đầu phân chia về mặt di truyền.
Trong báo cáo mô tả loài rùa mới, các nhà khoa học cũng yêu cầu đánh giá lại tình trạng bảo tồn rùa lá mata mata với lý do từ trước đến nay, rùa lá không được đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng do sự phân bố rộng rãi của chúng, tuy nhiên khi đã xác nhận Chelus fimbriatus và Chelus orinocensis là 2 loài khác nhau thì quần thể loài thu hẹp hơn rất nhiều so với nhận định trước đây. Hiện nay, mỗi năm có hàng ngàn con rùa lá xinh đẹp bị khai thác để buôn bán bất hợp pháp, vì vậy cần phải có biện pháp bảo tồn loài trước khi quá muộn.