Nhằm khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, triển khai có hiệu quả chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua tỉnh Yên Bái đã tập trung phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, trong đó có Thủy sản hồ Thác Bà, huyện Yên Bình.
Cá lồng trên hồ Thác Bà.
Huyện Yên Bình hiện có 1.850 lồng cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi các loại cá như: Rô phi, Lăng, Trắm, Nheo, Diêu hồng... trên hồ Thác Bà. Sản lượng thủy sản năm 2019 ước đạt 10.500 tấn. Tháng 10/2019, sản phẩm cá hồ Thác Bà được Cục sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận "Cá hồ Thác Bà”.
Mặc dù vậy, việc sản xuất của người dân trên hồ Thác Bà vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng hàng hóa chưa cao; chưa đủ quy mô để hình thành nhà máy sản xuất, chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, để nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân và đảm bảo môi trường sinh thái, trong thời tới, huyện sẽ đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết giữa nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm Thủy sản hồ Thác Bà.
Một trong các sản phẩm cá hồ.
Để phát triển được thủy sản bền vững, huyện Yên Bình đã khảo sát và làm việc với rất nhiều địa phương để liên kết giữa các hồ thủy điện, thủy lợi để có quy mô vùng nguyên liệu đủ lớn, khoảng 50.000 - 60.000 tấn/năm phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
"Khai thác, mở rộng được thị trường, cũng như đảm bảo bao tiêu được sản phẩm là thực hiện nâng cao thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho khu vực có mặt nước hồ Thác Bà", ông Trọng nhấn mạnh.