Theo TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện có 14/28 tỉnh, thành phố ven biển được trang bị các trạm bờ và máy thông tin liên lạc trên tàu phục vụ giám sát các hoạt động của tàu cá trên biển với 4.200 máy Vtex 1.700 đàm thoại tầm xa có tích hợp vệ tinh; hiện có khoảng 25.000 tàu cá xa bờ (chiếm 82% tổng số tàu cá xa bờ) đã được trang bị máy đàm thoại tầm xa trong đó có máy Icom 718; 7.000 máy thu trực canh (SSB) được lắp đặt trên tàu cá cho ngư dân.
Bộ NN&PTNT cũng đang tiến hành triển khai gắn các thiết bị thu tín hiệu từ vệ tinh (chíp) cho 3.000 tàu cá của ngư dân. Các tàu cá được trang bị các thiết bị này sẽ nhận được các thông tin về dự báo thời tiết, dự báo ngư trường,tự động báo vị trí tàu về bờ 2 giờ/lần, các thông tin hướng dẫn tránh trú bão và các thông tin quan trọng khác từ các cơ quan quản lý thủy sản trong bờ…
Việc đưa các thiết bị điện tử hàng hải trên tàu cá vào ứng dụng đã làm thay đổi nhanh chóng lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ. Từ một nghề cá thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng gần bờ, nghề khai thác hải sản đã chuyển dịch theo hướng trở thành nghề cá cơ giới, tăng cường khai thác ở vùng biển xa bờ, hướng vào các đối tượng có giá trị kinh tế cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch đã có sự tiến bộ khá rõ rệt, từ phương thức bảo quản sản phẩm theo phương pháp truyền thống, một số tàu khai thác xa bờ hiện nay đã sử dụng vật liệu Polyurethane (PU) để làm hầm bảo quản, công nghệ bằng nước biển lạnh và mới đây đã ứng dụng công nghệ CAS (hệ thống tế bào còn sống) của Nhật Bản để bảo quản cá ngừ đại dương.
Ngoài ra, nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho ngư dân khi khai thác trên biển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 459/QĐ-TTg về thực hiện thí điểm hỗ trợ máy thu trực canh cho ngư dân lắp đặt trên tàu cá (SSB). Đây là loại máy thu chuyên dụng, thiết kế đặc biệt để phục vụ phòng chống thiên tai, cứu nạn trên biển. Máy có chức năng chính là thu trực canh tự động 24/24h trên tần số 7906 KHz (băng sóng ngắn HF), tự động ưu tiên thu các thông tin dự báo thời tiết, báo bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm, hướng dẫn tìm nơi neo đậu an toàn... và các thông tin chuyên ngành khác giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai. Các bản tin này được phát đi từ các đài Thông tin Duyên hải dọc theo bờ biển Việt Nam trong hệ thống phát sóng của Công ty Thông tin điện từ hàng hải Việt Nam (Vishipel)...
Theo giới chuyên gia, việc đầu tư đúng mức cho việc đánh bắt sẽ mang lại giá trị kinh tế rất cao. Thay vì một chuyến biển chỉ xuất khẩu được khoảng 50%, còn lại 50% phải qua khâu chế biến của nhà máy. Nếu đầu tư đúng mức thì có thể đạt lên 70-80%, thậm chí 90%, nghĩa là toàn bộ cá đánh bắt được đều được xuất khẩu. Và nếu như vậy giá trị sẽ nâng lên cao rất nhiều.
Sự phát triển nhanh về năng lực đội tàu, đã nâng cao hiệu quả khai thác. Năm 2011, sản lượng khai thác hải sản đạt hơn 2,2 triệu tấn, tăng 4,6 lần so với năm 2001; trong đó kim ngạch xuất khẩu từ khai thác hải sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm 33% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, năm 2014 sản lượng khai thác hải sản đạt 2,7 triệu tấn (tăng 1,3 lần so với năm 2009), tạo công ăn việc làm cho khoảng 700.000 lao động trực tiếp trên biển.
Hiện đại hóa tàu cá không chỉ giúp ngư dân tăng năng suất, chất lượng thủy sản đánh bắt, mà còn góp phần giữ gìn an ninh vùng biển. Chủ trương hiện đại hoá tàu cá xa bờ đối với 28 tỉnh, thành ven biển, đảo trong cả nước đã và đang được triển khai. Đây chính là điểm tựa để ngư dân yên tâm hơn khi vươn khơi.