Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ TNMT) - về vấn đề này.
Hỗ trợ ngư dân để yên tâm bám biển
Ông đánh giá gì về sự liên kết giữa phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo trong chiến lược kinh tế biển?
- Mặc dù xác định phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng là chiến lược xuyên suốt, song khi xây dựng chiến lược kinh tế biển thì điều này chưa thể hiện rõ. VN vẫn chưa có một chiến lược khung, theo đó giải quyết các mối quan hệ, trong đó quan hệ kinh tế - quốc phòng. Muốn giải quyết mối quan hệ này, cũng cần phải nhận thức lại một vấn đề: Đòi chủ quyền là một nhẽ, nhưng năng lực thực tiễn để bảo vệ chủ quyền lại là vấn đề khác. Theo tôi, muốn đảm bảo năng lực này, trước hết phải phát triển mạnh về kinh tế biển, và cụ thể hóa hơn về chính sách thực hiện. Ngoài ra, cần hỗ trợ ngư dân trên biển để họ yên tâm bám biển, chủ động ứng xử với thiên tai, nhân tai. Họ phải là lực lượng mạnh thật sự trên biển, góp phần phối hợp với lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền.
Theo ông, khai thác thủy sản vẫn là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của chiến lược?
- Kinh tế biển VN chưa đủ sức trở thành nền công nghiệp đại dương nên có lẽ chưa thể kỳ vọng vào lĩnh vực kinh tế cao xa hơn. Vì vậy thủy sản vẫn là ngành kinh tế truyền thống, tồn tại vĩnh cửu. Vấn đề ở chỗ Nhà nước cần hỗ trợ họ bằng các chính sách cụ thể. Hiện nay ngư dân vẫn đánh cá theo phương tiện truyền thống, quan hệ vẫn là họ hàng dòng tộc hơn là một cộng đồng kinh tế. Vì thế cần phải kết nối họ lại với nhau trên biển. Ngành thủy sản trước hết cần hỗ trợ dự báo ngư trường chính xác. Công tác dự báo hiện chỉ dựa vào thống kê đầu ra, chưa nắm được sản lượng thực, tài liệu điều tra biển thì quá tốn kém nên chỉ dừng ở mức độ dự báo mùa (mà vẫn chưa chính xác), trong khi thế giới thì dự báo chính xác đến từng ngày, từng loài.
Với các ngành kinh tế biển mũi nhọn, trình độ khoa học công nghệ liệu đã đáp ứng để phát triển, thưa ông?
- Khai thác dầu khí là ngành duy nhất đáp ứng yêu cầu trình độ công nghệ, mặc dù không tồn tại được lâu dài vì đây là tài nguyên không tái tạo, không có hệ số phục hồi. Ngành dầu khí hiện đạt được trình độ công nghệ của khu vực, một số đạt được cấp quốc tế, đủ điều kiện để có thể vươn ra quốc tế khai thác, liên doanh liên kết. Ngành này có thể đưa hoạt động kinh tế VN ra xa hơn, một mặt mở rộng thêm các điểm mới ở vùng sâu vùng xa, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền. Nếu VN đủ sức đầu tư cho ngành này hơn thì mỗi giàn khoan hạ xuống sẽ là một cột mốc chủ quyền. Đó là lý do mà không phải ngẫu nhiên Trung Quốc chế tạo giàn khoan “khủng”, đi đến đâu là ghi lãnh thổ đến đó như một cột mốc chủ quyền.
Hàng hải cũng là ngành được kỳ vọng vượt lên cả dầu khí đến 2020. Nhưng bản thân ngành này là kinh tế dịch vụ, thực chất là chở thuê, cho thuê cảng. Vấn đề cảng biển thì tự ta “bày” ra 100 cảng, xây đến 2020 một cách vô tội vạ mà thiếu một yếu tố quan trọng là không xuất phát từ nhu cầu của khách hàng. Hơn nữa, đã là dịch vụ thì phải viễn dương mới có lãi, chứ còn dịch vụ trong nước thì hiện chỉ có mỗi tàu khách thống nhất Hải Phòng - TPHCM chở... dân buôn.
Cần có sự liên kết vùng
Sau 6 năm, theo ông chiến lược biển liệu đã thực sự bắt đầu hay chưa?
- Thực ra lâu nay, kể cả không có chiến lược biển thì ta vẫn đang làm kinh tế biển. Có chiến lược thì hứa hẹn được quan tâm và đầu tư nhiều hơn. Nhưng để nói đã bắt đầu hay chưa thì vẫn còn quá khó, bởi ta đang thiếu hẳn cái nhìn tổng quát toàn duyên hải, hệ thống đảo để đề ra quy hoạch hợp lý. Các tỉnh hiện nay chỉ nghĩ đến đầu vào, cứ tỉnh nào có cảng thì sẽ có dự án lớn mà không tính đến hiệu quả hoạt động cảng. Hệ quả là việc khai thác thiếu sự liên kết vùng, mạnh ai nấy làm, không phát huy được tiềm năng thực của các vùng biển. Cứ cho là xây hết 100 cảng và hoạt động hết công suất đến 2020, tôi dám chắc tổng lượng hàng hóa của toàn bộ số cảng này đến 2020 cũng chưa thể bằng lượng hàng cảng Rosterdam của Hà Lan được xây dựng từ thế kỷ 16. Quy hoạch 100 cảng là quá... vui vẻ, nhưng cuối cùng thu lại được cái gì?
Vậy công việc trước mắt để có thể bắt tay vào thực hiện quy hoạch chiến lược kinh tế biển là gì, thưa ông?
- Hiện tôi đang tham gia tư vấn để hoàn thiện bộ “Quy hoạch không gian biển”. Đây là công cụ để phân bổ các đơn vị không gian của biển cho các ngành hoạt động theo lộ trình thời gian, giảm mâu thuẫn lợi ích. Cùng một vùng biển nhưng cần ưu tiên ngành nào trước, ngành nào sau. Sẽ có chính sách kèm theo, phân vùng tổ chức lại lãnh hải và biển, các nguyên tắc sử dụng không gian kinh tế biển. Sau khi hoàn thiện nội dung, chúng tôi sẽ đề xuất đưa vào hệ thống quy hoạch kinh tế xã hội quốc gia, có vị trí pháp lý nhất định. Lúc đấy mới có lộ trình phân bổ tài chính, hướng dẫn kỹ thuật để triển khai về từng địa phương.
- Xin cảm ơn ông!