Theo Tổng cục Thủy sản, định hướng của ngành thủy sản trong thời gian tới là sẽ dần chuyển dịch từ đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm sản lượng đánh bắt, tăng sản lượng nuôi biển nhưng vẫn có thể đảm bảo sản lượng thủy sản xuất khẩu hàng năm tăng trưởng ở mức 4-5%, quản lý chặt chẽ việc nuôi trồng thủy sản theo mô hình để cải thiện chuỗi giá trị. Diện tích lãnh thổ Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích vùng biển, nhưng hiện tại diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước, chính vì vậy tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên biển vẫn còn rất lớn.
Trong những năm gần đây, trữ lượng khai thác thủy sản, nhất là mặt hàng hải sản ngày càng giảm, chính vì vậy tại nhiều địa phương, các lãnh đạo ở địa phương đã khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con ngư dân chuyển từ hình thức đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản và đã đạt được nhiều hiệu quả. Một số doanh nghiệp lớn cũng đã đầu tư vào mô hình trang trại nuôi thủy sản biển theo phương thức công nghiệp như: Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam (Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Kiên Giang);…
Chính phủ và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các mô hình nuôi thủy sản biển theo hình thức công nghiệp. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại rất nhiều hạn chế, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển còn rất nhiều hạn chế, thiếu tính đồng bộ và liên kết. Các hệ thống phao tiêu, biển báo phục vụ riêng cho ngành nuôi biển chưa đáp ứng được nhu cầu và các bến đỗ tàu thuyền phục vụ nuôi biển ở nước ta hầu hết chưa được quan tâm đầu tư.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, chúng ta cần phải tạo dựng một hệ sinh thái nuôi biển bền vững ở tất cả các vùng, cả vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi, đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các nguồn lực đầu tư vào ngành nuôi trồng hải sản. CHính vì vậy chúng ta cần đầu tư hiều hơn vào hạ tầng nuôi biển, nghiên cứu, tìm tòi và kịp thời chuyển giao những công nghệ tiên tiến như các thiết bị công nghệ hỗ trợ người nuôi, các lồng nuôi chắc bền chịu được sóng to gió bão và nâng cao cơ sở hạ tầng dành riêng cho việc nuôi thủy sản trên biển.
Bên cạnh đó, cần chú trọng nghiên cứu sản xuất những con giống nuôi cho giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện khí hậu và môi trường nước ở Việt Nam. Nhà nước cần có các chính sách thu hút đầu tư, nuôi trồng, đào tạo nâng cao năng lực không chỉ cho đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ kỹ thuật mà còn kịp thời phổ cập tới cho bà con có ý định nuôi thủy sản trên biển, sớm tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nuôi trồng thủy sản.