Cây chuối trên mảnh đất Yên Châu, tỉnh Sơn La từ lâu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực và đem lại thu nhập cho người dân, nhất là khi các sản phẩm từ chuối như rượu chuối, chuối sấy khô hay chuối sấy dẻo được người tiêu dùng ưa chuộng.
Gia đình anh Quàng Văn Dương ở xã Sặp Vạt, có vườn chuối 1ha và hơn 10 năm nay, gia đình anh gắn bó với cây chuối tây cho giá trị kinh tế cao, lại không mất nhiều công chăm sóc. Vài năm gần đây, trừ các khoản chi phí sản xuất, gia đình anh cũng thu được mấy chục triệu đồng.
Anh Quàng Văn Dương chia sẻ, kinh tế của gia đình từ khi trồng chuối rất ổn định và vui mừng khi nhiều người biết đến sản phẩm chuối Yên Châu.
Với khí hậu khô nóng đặc trưng, Yên Châu có điều kiện phù hợp để phát triển cây chuối. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất của tỉnh Sơn La.
Người dân Yên Châu chủ yếu trồng chuối tây và đa phần là giống chuối địa phương. Ban đầu người dân trồng chuối tây để lấy quả ăn, sau dần trở thành thứ hàng hóa đặc sản được nhiều người biết đến bởi độ ngọt và vị thơm ngon đặc trưng.
So với các loại cây khác, chuối tây dễ trồng và có khả năng chống hạn tốt. Sau khi trồng khoảng 1 năm, chuối tây đã cho thu hoạch. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Chuối Yên Châu”. Đây là một bước đệm cho cây chuối nơi đây ngày càng phát triển và để người tiêu dùng biết đến.
Hiện nay, huyện Yên Châu đang đẩy mạnh việc quảng bá giới thiệu sản phẩm, đồng thời xây dựng mô hình liên kết giữa các hợp tác xã và doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định thị trường, đầu ra cho sản phẩm chuối.
Theo thống kê, toàn huyện có trên 500ha trồng chuối tập trung ở các xã Chiềng Đông, Chiềng Hặc, Sặp Vạt, Tú Nang...; trong đó 387ha diện tích cho thu hoạch, chủ yếu là chuối tây, chuối hột; sản lượng năm 2019 đạt gần 6.200 tấn.
Đặc biệt, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Yên Châu đã chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào thế mạnh của địa phương xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí lợi thế về nguồn gốc và sản phẩm có tính bền vững.
Trên cơ sở đó, huyện Yên Châu đã có hơn 30 sản phẩm đặc trưng; trong đó chuối sấy giòn là một trong những sản phẩm được lựa chọn làm điểm trong chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh.
Là một trong những cơ sở sản xuất sản phẩm chuối sấy giòn tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, ông Nguyễn Xuân Chiến ở tiểu khu 6, thị trấn Yên Châu chia sẻ, ban đầu chủ yếu sản phẩm chuối được bán ở địa phương, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Sau khi “Chuối Yên Châu” được công nhận nhãn hiệu chứng nhận đã tạo bước đột phá, giúp nhiều khách hàng biết đến sản phẩm chuối của địa phương, từ đó giá thành sản phẩm tăng lên.
Hiện nay, gia đình ông đang tập trung liên kết với các hộ để xây dựng quy trình trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, gia đình ông đẩy mạnh đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và xây dựng sản phẩm chuối sấy giòn đến với đông đảo người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Điện, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu cho biết, trong thời gian tới, thực hiện chương trình OCOP, huyện sẽ xúc tiến quảng bá thương hiệu các sản phẩm của địa phương và hỗ trợ người dân về bao bì, tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, người dân có điều kiện tiếp cận với thị trường, trách nhiệm với sản phẩm và cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt nhất.
Cùng với xoài, giờ đây cây chuối trên mảnh đất Yên Châu đang mang lại giá trị kinh tế, giúp nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.