Tôm bị nhiễm EHP không có dấu hiệu điển hình như bệnh đốm trắng hay hoại tử gan tụy cấp mà chủ yếu là chậm lớn, mềm vỏ và màu sắc gan tụy nhợt nhạt. Hiện tại vẫn chưa có giải pháp cụ thể cho bệnh này. Vì vậy, để ngăn sự lây lan của bệnh do EHP, người nuôi tôm được khuyến cáo áp dụng một số biện pháp phòng bệnh tổng hợp như sau:
Con giống: Cần chọn lựa con giống tốt đã được xét nghiệm không mang các mầm bệnh thông thường trên tôm. Chọn tôm giống từ những công ty hoặc các trại sản xuất có uy tín và chất lượng tốt.
Mật độ thả vừa phải: Đối với tôm sú 15-25 con/m2, đối với tôm thẻ chân trắng 60-70 con/m2.
Ao lắng: Trong nuôi thâm canh và bán thâm canh bắt buộc phải có ao lắng với diện tích bằng ít nhất 30% diện tích ao nuôi để có thể chủ động nguồn nước sạch cấp vào ao nuôi vào bất cứ lúc nào. Đối với ao lắng cũng cần được cải tạo và phải được diệt khuẩn nước kỹ trước khi cấp vào ao nuôi.
Cải tạo ao: Cần tuân thủ đúng quy trình cải tạo ao để loại bỏ được mầm bệnh tồn tại từ vụ nuôi trước.
Đối với ao lót bạt cần được chà sạch, phơi nắng, xử lý bằng vôi để loại bỏ vi bào tử trùng, rửa, xử lý bằng chlorine ít nhất 30 ppm, diệt khuẩn nước kỹ trước khi gây màu.
Đối với ao đất cần cày và phơi khô đáy ao ít nhất 2-3 tuần. Xử lý bằng vôi, sau đó rửa ao, xử lý bằng chlorine ít nhất 30 ppm, diệt khuẩn kỹ trước khi cấp nước và gây màu. Cần xử lý ao và kiểm tra mật độ Vibrio trong nước và trong đất kỹ trước khi gây màu.
An toàn sinh học: Tuân thủ tuyệt đối an toàn sinh học trong ao nuôi để tránh tình trạng lây lan mầm bệnh giữa các ao trong cùng trang trại. Các vật dụng dùng để chăm sóc hoặc kiểm tra tôm cần được bố trí riêng biệt giúp tránh lây giữa ao này và ao khác. Đối với trang trại có ao nhiễm EHP cần đặc biệt quan tâm đến lây lan qua nguồn nước hay do người chăm sóc.
Quản lý sức khỏe: Thường xuyên kiểm tra sàng ăn để tránh trường hợp cho ăn dư làm ảnh hưởng đến chất lượng nước và tạo điều kiện cung cấp nguồn dinh dưỡng cho các nhóm tác nhân gây bệnh phát triển. Kiểm tra thường xuyên màu sắc gan tụy, biểu hiện bên ngoài (màu sắc, tình trạng cứng của vỏ tôm), phân đều về kích cỡ,…
Quản lý chất lượng nước: Thường xuyên theo dõi các yếu tố cơ bản trong ao nuôi như pH, nhiệt độ, độ kiềm, oxy hòa tan để kịp thời điều chỉnh, tránh hiện tượng tôm bị sốc do môi trường sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát huy tác dụng và gây bùng phát dịch bệnh.
(theo tài liệu HT “Giải pháp phát triẻn nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững”)