HTX Toàn Thắng ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên có 5 tổ, trong đó 2 tổ có Tổ trưởng là nữ. Thu xếp chuyện gia đình, các chị rất ít khi vắng trong các cuộc họp tổ, họp HTX. Từ các cuộc gặp gỡ, trao đổi với anh em, kiến thức nuôi tôm của các chị ngày càng nhiều lên. Chị Nguyễn Thị Dung năm nay mới hơn 30 tuổi, gia đình từ chỗ khó khăn, nay với diện tích nuôi tôm hơn 2 công, chị cẩn thận trong tất cả các khâu, thả nuôi mật độ thưa, quản lý kỹ môi trường. Nhờ vậy mà năm nào nuôi tôm cũng trúng, không những đủ chi phí gia đình, còn có dư để lo cho tương lai.
Chị Dung cho biết: “Tham gia HTX, tôi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm theo hướng an toàn. Chị em cùng chỉ nhau cách cho tôm ăn, kiểm tra chạy quạt. Từ đó, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong nuôi tôm và nuôi có hiệu quả hơn trước đây”.
Với nghề nuôi tôm phải “có gan thì mới làm giàu”, vì chi phí đầu tư ban đầu cao, rủi ro lớn, kỹ thuật nuôi không đơn giản, người có nhiều kinh nghiệm đôi khi cũng thất bại. Qua đó mới thấy được bản lĩnh và kiến thức của các chị, khi quyết định làm giàu bằng mô hình nuôi tôm nước lợ, thay vì trồng trọt, chăn nuôi. Cô Huỳnh Thị Hận ở xã Ngọc Đông, chia sẻ: “Theo tôi, cái khó của nghề nuôi tôm là quản lý ao nuôi. Vì màu nước trong ao nuôi luôn thay đổi, nên tôi thả nuôi mật độ thưa và thường dùng men vi sinh để xử lý nước ao nuôi. Tôi rất hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi”.
Dù thành công theo nhiều cách, nhiều mức độ khác nhau, nhưng điểm chung của các chị là sự chăm chỉ và quyết tâm, thêm vào đó là nắm vững kỹ thuật, biết hỗ trợ, san sẻ cho nhau và các chị đã có những vụ nuôi tôm thắng lợi .