Sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, sau khi xuất ngũ trở về địa phương với tỷ lệ thương tật 68%, ông Đinh Văn Quý vẫn tiếp tục tham gia lao động sản xuất tại HTX Tiên Cát. Thế nhưng, cuộc sống làm ruộng rất vất vả, khó khăn nên ông nghèo vẫn hoàn nghèo. Sau nhiều năm bôn ba vất vả, ông Quý thấy rằng ở Tiên Cát có gần 100 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, nếu quyết chí đầu tư chắc chắn có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Năm 1995, HTX chỉ đạo chuyển một số diện tích lúa - cá sang hình thức thầu khoán nuôi cá. Đây là mô hình sản xuất mới tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến cho không ít xã viên HTX e ngại. Với những trăn trở làm sao để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trên một diện tích canh tác, cùng với kinh nghiệm nuôi cá hơn 2 năm, ông Quý đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu toàn bộ diện tích trên để nuôi cá và nhận thêm 1,8 ha để nuôi cá giống.
Ông Quý cho biết, khi bước vào nuôi cá, khó khăn lớn nhất là vốn và khoa học kỹ thuật về thâm canh con cá. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Việt Trì đã giúp ông vay được 50 triệu đồng; Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Thọ cũng đã giúp đỡ về mọi mặt kể cả lựa chọn con giống tốt và trợ giá cá giống mới... Những gian truân vất vả đã được bù đắp bằng vụ nuôi đầu tiên thắng lợi. Khi sản xuất ổn định, những xã viên HTX đã thấy được lợi ích từ việc đầu tư nuôi cá, nhiều xã viên đã đề nghị ông Quý cắt một phần diện tích để cùng nuôi cá. Đến nay, ông Quý đã chuyển nhượng 50 ha cho 30 hộ gia đình xã viên để họ đầu tư phát triển kinh tế. Với cách làm này, doanh thu hàng năm đều tăng, trung bình đạt trên 15 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Riêng gia đình ông Quý, nuôi cá trên tổng diện tích 34ha, mỗi năm thu hoạch trên 60 tấn cá thịt và 9 tấn cá giống các loại, doanh thu hàng năm đạt gần 2 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Ông Quý bộc bạch: “Bí quyết thành công của mình chỉ nhờ vào hai bàn tay và khối óc, chịu khó tìm tòi, dám nghĩ dám làm thì ắt sẽ thành công”. Ông Quý cho biết, nuôi cá cũng phải điều chỉnh mật độ nuôi và khoảng cách giữa các lần nuôi sao cho vừa phải, phù hợp với đầm. Đối với đầm to và rộng cũng cần phải vệ sinh thường xuyên, tốt nhất là vào tháng 3, tháng 7 hoặc tháng 8, đây là khoảng thời gian vệ sinh ao, thay nước, sau đấy mới thả cá mới. Nhờ những điều chỉnh hợp lý nên đầm ao cá của ông Quý có những thay đổi rõ rệt cả về chất lượng và sản lượng. Năm 2012, sản lượng cá ước đạt 330 tấn với doanh thu khoảng 12 tỷ đồng. Cũng nhờ ý chí và nghị lực phi thường ấy mà ông Quý đã trở thành “Vua cá” của HTX nông nghiệp Tiên Cát, một cựu chiến binh thành đạt ở Việt Trì với nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Phú Thọ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam...
Ông Quý cho biết thêm, thời gian tới ngoài đầu tư nhân giống, ương, nuôi cá thịt truyền thống, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư cải tạo ao hồ để nuôi các loại cá đặc sản như cá lăng chấm, cá anh vũ. Cùng với đó, ông sẽ bổ sung một số giống cá mới vào cơ cấu giống thủy sản của tỉnh như cá chép lai V1, rô phi đơn tính, cá vược, cá rô đồng đầu vuông... nhằm đáp ứng yêu cầu về con giống, đồng thời sẽ hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và thị trường tiêu thụ cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản trong vùng, tạo điều kiện giúp họ có thể làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Bên cạnh việc giải quyết được nhiều việc làm có thu nhập ổn định, mô hình nuôi cá của anh Quý còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị tại Việt Trì.