Đi làm không công
Mỗi lần tìm gặp ông Phạm Đạn - Phó Chủ tịch NĐNC phường 6, TP.Tuy Hòa (Phú Yên), cũng thấy ông đang lo việc nghiệp đoàn. Mùa mưa gió, công việc của ông càng dày khi phải túc trực hướng dẫn tàu tránh mắc cạn khi ra vào cửa biển Đà Rằng, khi có tàu bị nạn thì phải chạy đi huy động người kéo vớt.
Rồi lo thăm hỏi, tặng quà ngư dân bị nạn, vận động triển khai hàng loạt chương trình hoạt động,… “Thực sự, công việc của nghiệp đoàn ngày càng nhiều. Các cấp đều đánh giá cao vai trò của nghiệp đoàn nên cứ liên miên “ấn” việc. Đã nhận thì phải làm chu đáo. Thế nhưng làm miết gần 4 năm rồi mà chẳng thấy đồng phụ cấp để… đổ xăng. Tôi đã 65 tuổi, cũng mỏi mệt lắm rồi”- ông Đạn nói.Còn Chủ tịch NĐNC phường 6 Tuy Hòa, ủy viên Ủy ban Kiểm tra NĐNC Việt Nam - ông Phan Thuẫn cho hay: “Tôi 70 tuổi rồi nhưng vẫn phải cố gắng làm vì sự tín nhiệm của bà con. Công việc nghiệp đoàn luôn rất “trăm dâu”, khổ nhất là khi phải đại diện ký vào các hồ sơ thẩm định của các cơ quan chức năng liên quan đến ngư dân.
Mình gần gũi, hiểu ngư dân nhưng nhiều hồ sơ rất phức tạp. Đã đặt bút ký thì bao nhiêu là trách nhiệm, ví như với các hồ sơ liên quan đến tiền bạc. Công chuyện thì phải cố chu toàn, tôi chỉ chạnh lòng là mang danh Chủ tịch Nghiệp đoàn mà mấy năm rồi chẳng có đồng phụ cấp… uống cà phê; nói chi mấy anh em trong Ban chấp hành (BCH). Cứ ăn cơm nhà đi làm hoài kiểu này, vợ con kêu ca quá! ”.
Theo ông Lương Công Hạnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.Tuy Hòa, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có quyết định, công đoàn cơ sở được sử dụng tối đa 30% số thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để chi lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách và phụ cấp cán bộ công đoàn cơ sở. “Thế nhưng việc thu tiền đoàn phí từ các ngư dân “lúc có, lúc không”. Việc trả phụ cấp phải có văn bản hẳn hoi từ cấp thẩm quyền, thế mới có “kênh” thực hiện”- ông Hạnh nói.
“Sinh con rồi sinh cha”
Cũng theo ông Hạnh, mô hình các NĐNC địa phương hiện như một công đoàn cơ sở. Tuy nhiên, từ BCH đến các đoàn viên đều là ngư dân nên rất bỡ ngỡ khi sinh hoạt công đoàn.
Thế nhưng dần dà, với sự cố gắng của các NĐNC, nên đã tạo dấu ấn rõ rệt trong cộng đồng làng biển. Rất nhiều chương trình hiệu quả từ các cấp công đoàn đã đến với các đoàn viên, như hỗ trợ phương tiện đánh bắt, tặng áo phao, học bổng cho con em ngư dân, thăm hỏi động viên ngư dân bị nạn,…
Từ tháng 3.2012, Phú Yên là nơi đi đầu cả nước thành lập NĐNC, như một mô hình thí điểm để rút kinh nghiệm, tiếp tục triển khai ở các tỉnh ven biển Việt Nam. Đến năm 2014, NĐNC Việt Nam mới chính thức ra đời.
Ông Đào Hồng Sự - Phó ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh Phú Yên cho hay: “Đây ví như là việc “sinh con rồi mới sinh cha”. Từ ý tưởng ban đầu của Tổng LĐLĐ, NĐNC đang dần phát triển tại nhiều tỉnh, thành có biển. Ở Phú Yên, từ NĐNC đầu tiên cả nước (phường 6 Tuy Hòa), đến nay đã tiếp tục phát triển được tất cả 5 nghiệp đoàn cơ sở. Ban đầu, chúng tôi phải “hỏi han” nhiều ngành, rồi mò mẫm triển khai hoạt động cho phù hợp với thực tế làm ăn của ngư dân”.
Trao đổi với PV Dân Việt, Chủ tịch NĐNC Việt Nam - ông Trần Văn Quý thông tin, cả nước hiện có 72 NĐNC cơ sở tại 15 tỉnh, thành (trong số 28 tỉnh, thành có mặt biển), thu hút trên 15.000 đoàn viên. “Dấu ấn hiệu quả hoạt động của NĐNC đã được ghi nhận.
Thế nhưng chế độ phụ cấp hiện chỉ mới giải quyết được đối với các thành viên BCH và Ủy ban Kiểm tra của NĐNC trung ương. Riêng đề án phụ cấp cho các ủy viên BCH NĐNC cơ sở, đang được trình Tổng LĐLĐ xem xét. Mong rằng, anh em cơ sở sớm được có chế độ phụ cấp để thêm toàn tâm toàn ý với công việc…”- ông Quý nói.
"Mỗi LĐLĐ cấp huyện đang được bố trí một chỉ tiêu biên chế chuyên trách theo dõi, quán xuyến hoạt động của NĐNC. Thế nhưng việc triển khai lương, phụ cấp cho các thành viên BCH NĐNC cơ sở… vẫn bế tắc, dù đã nhiều lần đề đạt”. Ông Đào Hồng Sự