Những ngày qua, người dân 5 xã An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp sống ven đầm, đổ xô đi bắt vẹm đá kiếm thêm thu nhập. Trẻ con đi dọc bờ đầm, mò bắt con vẹm bám trên tảng đá rồi dùng dao dạt xuống, hốt bỏ vào thau nhôm. Người lớn thì lội ra giữa đầm, rà chân xuống “đụng” con vẹm duỗi dưới lớp bùn thì dùng ngón chân cái và ngón trỏ kẹp lại rồi với tay bắt bỏ vào can nhựa. Em Phùng Thị Ngọc Nhi ở xã An Ninh Đông đi bắt vẹm đá, cho biết: Vẹm đá có hình dạng giống như con vẹm xanh nhưng nhỏ hơn, sống bám thành chùm. Ở các bờ đá, người đi bắt chỉ cần rà chân xuống là bắt được ngay. Tranh thủ buổi sáng, em bắt đến quá trưa được 2 thau nhôm (khoảng 10kg), bán được 50.000 đồng.
Còn ông Trần Văn Vân ở xã An Cư, lội bùn ra giữa hồ nuôi tôm đang bỏ hoang ven đầm, rà bắt vẹm đá. Dụng cụ ông Vân mang theo là can nhựa loại 20 lít vặn nắp kín cắt bỏ một bên hông can nhựa. Ông Vân cho hay: Vẹm đá xuất hiện dày không chỉ bám vào đá mà còn duỗi dưới lớp bùn giữa hồ nuôi tôm, tuy nhiên không phải hồ nào cũng có. Hôm qua tại hồ tôi đang bắt rộng 2 sào, nhiều người bắt trên 1 tấn vẹm đá. Riêng tôi mấy ngày qua chịu khó ngụp lặn, trung bình mỗi ngày bắt vẹm bán gần 300.000 đồng.
Nhiều người dùng chấn đăng, đó là tấm vải mùng, dậu cao 1,2m, dài 50m thả xuống giữa đầm, khi con vẹm đá bám dày thì dùng sõng câu (một loại xuồng nhỏ) vớt lên chở vào bờ rồi dùng dao trành dạt dồn lại từng đống bán cho thương lái. Ông Phan Văn Phới ở xã An Cư, thả 9 tấm chấn đăng, cứ mỗi tấm vớt lên cạo sạch thu gần 1 tấn vẹm đá. “Thả chấn đăng phải thả trước 2 - 3 tháng, tuy nhiên không phải năm nào vẹm đá cũng bám vào nhiều. Năm nay là lần đầu tiên vẹm đá xuất hiện với mật độ khá dày tại những vùng nước có độ mặn thấp. Nhờ vẹm đá xuất hiện nhiều, dễ bắt nên nhiều người dân ở đây đi bắt để có thêm thu nhập; có gia đình, một ngày bắt vẹm bán được trên 1 triệu đồng”, ông Phới nói.
Cũng theo nhiều ngư dân, mỗi ngày người dân đi bắt bộ (bắt bằng tay không phải dùng chấn đăng) thu từ 5 - 7 tạ vẹm đá dưới đầm Ô Loan. Vẹm đá được các thương lái mua về làm thức ăn cho tôm hùm với giá bình quân 5.000 đồng/kg
Thời gian gần đây, cá hồng giống cũng xuất hiện nhiều ở đầm Ô Loan. Nhiều người dân trong vùng bỏ công đi bắt cá hồng bằng nhiều phương thức khai thác như giăng lưới, thả lờ, kéo trủ. Hiện giá cá hồng giống được các thương lái mua từ 7.000 - 12.000 đồng/con, tùy theo kích cỡ, trọng lượng của cá. Theo bà con ngư dân ở huyện Tuy An, mỗi năm, cá hồng có hai kỳ sinh sản vào tháng 3 - 4 và tháng 9-12 âm lịch.
Ông Hồ Thanh Riếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, cho biết: Thời gian gần đây, người dân địa phương được hưởng “lộc” từ đầm, vẹm đá, cá hồng xuất hiện nhiều giúp họ có thu nhập khá. Mùa này, nước mưa từ các cánh đồng tràn về nên ngư dân chưa thể nuôi tôm trong các hồ ven đầm. Do vậy, việc bắt vẹm đá rất thuận lợi.