Nên cho tôm ăn như thế nào là hợp lý?
Cho tôm ăn thừa có thể thúc đẩy tôm tăng trưởng trong thời kỳ phát triển ban đầu khi tôm đang còn ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, đặc biệt khi chất lượng nước vẫn còn tốt. Tuy nhiên, khi tôm không sử dụng hết lượng thức ăn thì chất thải hữu cơ thức ăn thừa tích tụ gây ra hơn 60% các vấn đề nguy hiểm trong ao nuôi tôm và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tôm nuôi.
Thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao là nguyên nhân gây bùng phát khí độc, đặc biệt khi mà hàm lượng oxy hòa tan (DO) giảm hoặc khi tảo phát triển quá mức trong ao.
Cho tôm ăn thiếu thức ăn trong thời gian dài sẽ làm tôm chậm lớn do thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, hạn chế khả năng lột vỏ của tôm. Thiếu thức ăn kéo dài còn làm cho tôm tranh giành thức ăn lẫn nhau dẫn đến hiện tượng phân đàn mạnh.
Tuy nhiên, nếu sử dụng lượng thức ăn chỉ ít hơn 10% so với nhu cầu dinh dưỡng của tôm hoặc không cho ăn một vài lần trong một thời gian nhất định sẽ không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, đồng thời còn giúp giữ chất lượng nước tốt hơn.
Cho tôm ăn thiếu thức ăn trong thời gian dài sẽ làm tôm chậm lớn do thiếu dinh dưỡng. Ảnh: vuonsinhthai.com.vn
Tôm là loài ăn chậm nên thỏa mãn việc cho tôm ăn là khó và có lẽ không thể đạt được. Một số nhà sản xuất cho tôm ăn dựa theo kinh nghiệm của những vụ nuôi trước. Để tăng hiệu quả việc cho ăn, một số người nuôi tôm cố gắng tính toán hoạt động bắt mồi trong ao.
Đặt các khay cho ăn trong ao và số lượng thức ăn còn lại trong khay 1 giờ, 2 giờ sau khi cho ăn sẽ quyết định lượng thức ăn cho ăn vào ngày tiếp theo nên tăng hay giảm.
Lợi ích khi sử dụng nhá cho tôm ăn hiệu quả
Cách sử dụng sàng cho tôm ăn hiệu quả giúp giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). Góp phần làm giảm chi phí thức ăn, giúp cải thiện tăng trưởng của tôm nuôi. Hạn chế thức ăn dư thừa, ô nhiễm môi trường nước.
Nâng cao chất lượng nước, giúp nâng cao mật độ nuôi, tăng năng suất và giảm ô nhiễm môi trường, khí độc trong ao.
Theo dõi sát sự phát triển của tôm. Nhanh chóng điều chỉnh kịp thời, hạn chế mức tối đa gây ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Thông qua quan sát tôm trong sàng ăn, có thể đánh giá và đưa ra quyết định sớm trong việc quản lý cho ăn, theo dõi tình hình sức khỏe của tôm (tôm bệnh hay có các biểu hiện bất thường) và thời điểm thu hoạch phù hợp;
Giúp phát hiện tôm chết thông qua sàng ăn
Quản lý thức ăn tốt thông qua sàng ăn sẽ giữ cho đáy ao luôn được sạch sẽ.
Đặt nhá ở vị trí nào?
Nhá tôm thường là tấm lưới mịn với một khung sắt vuông hoặc tròn có gờ cao không quá 5 cm.
Nhá tôm thường là tấm lưới mịn với một khung sắt vuông hoặc tròn . Ảnh: Tép Bạc
Đối với nhá hình tròn thường có diện tích từ 0,4 - 0,5 m2 có đường kính 70 - 80 cm
Đối với nhá hình vuông có diện tích 0,64 m2 cạnh 80x80 cm
Cách sử dụng nhá cho tôm ăn hiệu quả thì nên đặt sàng ăn cho tôm sau hệ thống dàn quạt 10-15m, không đặt sàng ăn tại vị trí có độ nghiêng, sát hố xi phông.
Cách sử dụng nhá cho tôm
Tôm thả được từ 25 ngày trở đi bắt đầu sử dụng sàng để kiểm tra, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Tỷ lệ cho thức ăn vào sàng và thời gian kiểm tra có thể tính như sau: Tôm 25 - 38 ngày tuổi, thức ăn cho vào sàng 15 g/kg, thời gian canh sàng là 2 giờ.
Từ ngày 39 - 45, thức ăn cho vào sàng khoảng 20 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ 30 phút - 2 giờ.
Tôm 46 - 55 ngày tuổi, thức ăn cho vào sàng 25 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ 30 phút.
Từ ngày 56 - 65, thức ăn cho vào sàng 30 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ đến 1 giờ 30 phút.
Từ ngày 66 - 72, thức ăn cho vào sàng 35 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ. Tôm 73 - 79 ngày tuổi, thức ăn cho vào sàng là 40 g/kg, thời gian canh sàng 1 giờ.
Từ ngày 80 đến khi thu hoạch, thức ăn cho vào sàng 45 g/kg, thời gian canh sàng là 1 giờ.
Nếu đường ruột tôm đầy và có màu của loại thức ăn sử dụng là tốt
Sau khoảng thời gian canh sàng nêu trên, kéo sàng để xem lượng thức ăn thừa và quan sát đường ruột của tôm. Nếu đường ruột tôm đầy và có màu của loại thức ăn sử dụng là tốt. Tôm rỗng ruột hoặc thức ăn trong ruột có màu sắc lạ là những dấu hiệu bất ổn, cần phải kiểm tra.
Nếu thức ăn trong sàng được tôm ăn hết và môi trường ao nuôi tốt, có thể tăng lượng thức ăn của ngày tiếp theo thêm 5%. Ngược lại, nếu thức ăn trong sàng còn thừa 5 - 10% thì cắt giảm ngay khoảng 5% lượng thức ăn ở lần tiếp theo, nếu thức ăn trong sàng còn thừa 10 - 20% thì giảm 10% lượng thức ăn cho lần kế tiếp. Nếu lượng thức ăn trong sàng còn > 25% thì ngưng 2 lần cho ăn và bắt đầu lại với lượng thức ăn ít hơn 10%.
Thông qua những chia sẻ trên giúp bà con nắm được cách sử dụng sàng cho tôm ăn hiệu quả, cách định lượng thức ăn trong sàng ăn, thời gian kéo nhá, sàng để kiểm tra phát hiện những bất thường kịp thời.