NHIỀU BẤT CẬP, KHÓ KHĂN
Nhìn nhận lại năm qua cho thấy, ngành kinh tế thủy sản rất được quan tâm, được sự chỉ đạo sâu sát, sự phối hợp của các cấp, các ngành; sự nỗ lực của toàn ngành Nông nghiệp; sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương và toàn thể bà con nông dân, đã góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2013. Nhiều dự án, đề án, mô hình sản xuất mới được triển khai có hiệu quả; cơ sở hạ tầng nông thôn đang từng bước được cải thiện; việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm; công tác quản lý trên tất cả các lĩnh vực được tăng cường.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm tỉnh Cà Mau năm qua cũng gặp không ít khó khăn: Giá cả vật tư, con giống… không ổn định, dịch bệnh trên tôm luôn tiềm ẩn nguy cơ cao; môi trường nước trên các sông rạch có dấu hiệu ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa trái mùa; triều cường dâng cao đã ảnh hưởng đến sản xuất.
Mặc dù khó khăn là vậy, nhưng Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã phân công cán bộ quản lý địa bàn tích cực trong công tác chỉ đạo sản xuất; hướng dẫn người dân đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất… Từ đó đã đạt được những kết quả nhất định: Trong 266.735ha nuôi tôm có 7.672ha nuôi tôm công nghiệp (NTCN), gần 44.000ha nuôi tôm quảng canh cải tiến (NTQCCT), tôm-lúa 43.000ha, tôm-rừng 17.700ha, diện tích còn lại là nuôi quảng canh truyền thống. Năng suất bình quân năm 2013 là 500kg/ha, tăng 24kg so với năm 2012.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận, thời gian qua việc phát triển diện tích NTCN trên địa bàn tỉnh rất nhanh, từ đó kéo theo nhiều bất cập: Người dân chưa thật sự có kiến thức trong lĩnh vực này; cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống điện 3 pha còn thiếu và yếu; công tác quản lý môi trường, dịch bệnh còn lỏng lẻo; hầu hết các vùng nuôi chưa có chứng nhận. Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh đã phát triển mới một cách ồ ạt với con số 1.600ha NTCN tại một số vùng nuôi ở các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước…
Cái khó hiện nay là công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch còn chậm, chưa sát với thực tế, chỉ dựa vào số liệu cung cấp, khảo sát chưa đảm bảo các yếu tố quy trình quy hoạch. Mặt khác, cơ sở hạ tầng phục vụ NTCN còn yếu kém, nhất là hệ thống thủy lợi, hệ thống điện 3 pha chưa đáp ứng nhu cầu NTCN. Việc tổ chức sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ và manh mún; phương thức sản xuất còn mang tính tự phát, hầu hết theo tập quán và kinh nghiệm dân gian, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn nhiều hạn chế. Quan trọng hơn hết là nhu cầu vốn của người dân rất lớn, nhưng hầu hết bà con nông dân đang gặp khó khăn, không đủ khả năng đầu tư. Các chính sách hỗ trợ cho người dân nhằm khắc phục vùng sản xuất bị thiên tai, dịch bệnh vẫn còn nhiều vướng mắc. Thị trường thủy sản thì bấp bênh, những rào cản về kỹ thuật đã trực tiếp ảnh hưởng đến phát triển nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay, toàn huyện Phú Tân đã thành lập và củng cố được 159 tổ hợp tác với 2.376 tổ viên. Các tổ hợp tác này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp.
GỠ "NÚT THẮT" CHO NGÀNH KINH TẾ THỦY SẢN
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Nuôi trồng thủy sản phối hợp với Công ty TNHH Mekong Tomland triển khai “Dự án Hỗ trợ và xây dựng thương hiệu vùng nuôi tôm bền vững” thí điểm tại thị trấn Cái Đôi Vàm của huyện Phú Tân. Mục tiêu chính của Dự án là xây dựng được mô hình đồng quản lý có tính thực tiễn cao, hỗ trợ tích cực cộng đồng người nuôi tôm ở địa phương và cơ quan chức năng tổ chức sản xuất hiệu quả, quản lý tốt hơn các vấn đề về môi trường và dịch bệnh.
Trước đây, có thể nói rằng Phú Tân chưa phải là địa phương trọng điểm nuôi tôm của tỉnh, nhưng trong năm qua Phú Tân “nổi” lên như một “hiện tượng” ở lĩnh vực kinh tế này, đặc biệt là hình thức NTCN, phát triển cả về số lượng lẫn năng suất, chất lượng.
Theo đó, địa bàn được tổ chức thí điểm lần này là khu vực thị trấn Cái Đôi Vàm, nơi có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh từ 1.000ha năm 2013 đến nay con số này lên đến 2.000ha, trong khi trình độ kỹ thuật và hạ tầng hỗ trợ còn rất nhiều hạn chế. Toàn bộ kinh phí để thực hiện Dự án này là 1,2 tỷ đồng; thời gian thực hiện là 12 tháng (từ tháng 3-2014 đến 2-2015).
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Tân, hiện nay toàn huyện đã thành lập và củng cố được 159 tổ hợp tác với 2.376 tổ viên, các tổ hợp tác này chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực NTQCCT, NTCN. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách xã, thị trấn và ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật cho các tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn huyện.
Cũng thông qua dự án mang tính xã hội hóa cao này, một loạt các hoạt động đánh giá sức tải sinh thái của vùng, tiếp cận các tiêu chuẩn về chất lượng của sản phẩm xuất khẩu, hướng tới quy trình nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nuôi và cảnh báo dịch bệnh, hỗ trợ đào tạo cán bộ địa phương, cập nhật thông tin mới về khoa học công nghệ cho người nuôi tôm, tổ chức hội thảo gắn kết các khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm, đã được triển khai từ tháng 3-2014 với sự hỗ trợ về tài chính. Về phía Công ty TNHH Mekong Tomland sẽ hỗ trợ cán bộ tư vấn, phần mềm quản lý vùng nuôi, cảnh báo dịch bệnh, cung cấp thông tin cho người nuôi…
Nhiều mục tiêu cụ thể đã được các bên có liên quan đặt ra: Hỗ trợ thành lập được Hội Người nuôi tôm khu vực thị trấn Cái Đôi Vàm, do UBND thị trấn chủ trì để chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận công nghệ mới và hợp tác để quản lý vùng nuôi hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý vùng nuôi, tư vấn kịp thời cho người nuôi về kỹ thuật; tổ chức các hoạt động tư vấn cho Hội Người nuôi tôm khu vực thị trấn Cái Đôi Vàm; tổ chức hội thảo ở địa phương và khu vực nhằm liên kết các thành phần liên quan trong chuỗi cung ứng sản phẩm, cải thiện tính bền vững và hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm. Đồng thời, song song với các hoạt động đó sẽ tổ chức đánh giá sơ bộ hiệu quả của mô hình, rút kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện dự án.
Với những hoạch định trên, mong rằng những nút thắt đã qua của ngành kinh tế thủy sản tỉnh sẽ được tháo gỡ và dòng chảy của việc phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ được thông suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.