Xuống giống sớm
Hiện tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam, nông dân bắt đầu tổ chức xuống giống cho vụ nuôi trồng mới, sớm hơn gần 1 tháng so với những năm trước. Nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng tại thị xã Điện Bàn, TP. Hội An thậm chí đang “phá” lịch thời vụ, xuống vụ nuôi tôm sớm hơn 2 tháng so với trước đây. Cùng khi đó, nhiều hộ nông dân trồng trọt cây ngắn ngày cũng xuống vụ gieo trồng. Theo ghi nhận, tại P. Điện Dương hiện có hàng chục hécta ao nuôi tôm được thả con giống và nuôi được khoảng 1 tuần.
Hàng chục hộ nuôi tôm khác tại địa phương lân cận cũng đang cải tạo ao hồ để thả tôm, nếu có mưa lớn, không cần lũ, bắt buộc người nuôi tôm phải tiếp tục hút nước, cải tạo ao hồ một lần nữa, đề phòng dịch bệnh sau khi thả tôm. Trong khi đó, tại các địa phương ven biển, hàng trăm hécta ao nuôi tôm trên cát và nhất là vùng triều cũng đã xuống giống thả nuôi trái vụ.
Trước thông tin xuất hiện đợt không khí lạnh mới tăng cường, nguy hiểm hơn là một cơn bão mạnh vừa hình thành và đang di chuyển vào Biển Đông, càng khiến nhiều người dân thêm hoang mang, lo lắng. Họ chia sẻ, rất lo ngại một đợt lũ bất thường cuối mùa, nếu tình hình này xảy ra, có khả năng nhiều hộ dân sẽ phải trắng tay, lâm cảnh nợ nần.
Tại TP. Hội An lâu nay vốn nổi tiếng là địa bàn chuyên sản xuất hoa, cây cảnh dịp tết, thời tiết đến nay cơ bản ủng hộ hàng ngàn hộ dân trồng cây, hoa cảnh. Theo ghi nhận tại xã Cẩm Hà, P.Thanh Hà, hiện nay một số hộ dân trồng quất cảnh đã treo biển rao bán hoa cảnh dịp tết. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp người dân chuyên bán lại cho thương lái ở các tỉnh thành lân cận, mua về trước để sớm phân phối ra thị trường. Trước dự báo bão, lũ, những người trồng hoa lo lắng nếu thời tiết mưa bão kéo dài đến Tết Nguyên đán, sẽ gây thiệt hại rất lớn đối với hoa cảnh sắp bán, cả những loại hoa đang được gieo trồng, chờ bán tết.
Địa phương chủ động?
Trong khi đó, hiện tại các huyện đồng bằng, các hộ dân trồng lúa ở vùng chủ động nước tưới đã cải tạo đồng ruộng, nhiều diện tích đã gieo sạ sớm hơn lịch thời vụ. Nếu bão lũ xảy ra, những diện tích này coi như mất trắng. Trước tình hình thời tiết diễn biến nhiều bất thường, những năm gần đây không theo một quy luật nào đã đưa đẩy người dân vào thế tự vận động, tự trấn an chính bản thân là chính. Điển hình trận lũ bất thường cuối tháng 3.2015 đã gây nên thiệt hại trầm trọng cho người nông dân trồng dưa hấu, hoa màu khác. Bên cạnh đó, nhiều hộ nuôi tôm cũng trắng tay vì đợt lũ này.
Tuy vậy, theo ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Nam, trước tình hình thời tiết nắng nóng lâu nay, các hồ chứa đều chưa tích đủ nước, dự báo hạn sớm, gay gắt, nên để tránh hạn cuối vụ, ngành đã chủ trương đẩy lịch mùa vụ lên sớm hơn. Cụ thể là lịch gieo sạ lúa bắt đầu từ 15-20.12.
Việc nhiều người dân gieo sạ lúa trước lịch là có, nhưng hầu hết là giống dài ngày. Nếu bão Melor đổ bộ, gây mưa lũ cũng chỉ gây thiệt hại cục bộ, tỉnh vẫn có thể hỗ trợ giống ngắn ngày để gieo sạ lại. Về nuôi trồng thủy sản, mặc dù có nhiều hộ nuôi sớm, nhưng một phần cũng có chủ trương của ngành, do thời tiết nắng và đến nay không lũ, nên ngành và các địa phương thống nhất đẩy sớm thời vụ.