Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có khoảng 600 ha tôm nuôi, trong đó có khoảng 400 ha tôm nuôi vùng triều. Tại đây, người dân nuôi tôm chủ yếu dựa vào nguồn nước ven sông, các hộ nuôi tôm có ao nằm sát vách, cạnh nhau kéo dài suốt dọc rìa sông không theo một quy hoạch cụ thể nào. Đây cũng chính là một bất cập, người xuống giống trước, sau và thu hoạch là tùy cá nhân ở các hộ và thực tiễn kết quả nuôi trồng ở các hộ. Thế nhưng, thực tiễn này cũng phát sinh vấn đề khi dịch bệnh trên tôm xuất hiện và lan rộng rất nhanh sẽ gây thiệt hại là trầm trọng. Chưa kể, vấn đề dập dịch, ngăn dịch lây lan trên diện rộng cũng rất nan giải. Đặc biệt, khi nghe tin tôm nuôi của các hộ lân cận bị dịch bệnh chết, nhiều hộ thả sau không dám xuống giống vì rất hoang mang, lo lắng.
Trên địa bàn huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, đa phần tôm bị chết khi chỉ xuống giống được một thời gian ngắn. Có ao tôm chết nhiều, có ao chết rải rác, nhưng người dân chỉ có thể phát hiện tôm bị chết song không thể xác định được bao nhiêu tôm trong ao của mình đã bị chết vì chưa đến cuối vụ thu hoạch. Đây cũng chính là lý do, vẫn chưa có con số cụ thể, chính xác về diện tích tôm nuôi của người dân đã bị chết do dịch bệnh. Nhiều hộ nuôi tôm cho rằng, nếu là dịch bệnh trên tôm hay trong môi trường nước là cực kỳ nguy hiểm cho các hộ lân cận bởi nguồn nước, không khí rất dễ khiến dịch bệnh lan trên diện rộng. Chưa kể, nguyên nhân gây tôm chết vẫn còn chưa được khẳng định thì khó ngăn chặn triệt để dịch bệnh. Tại thành phố Tam Kỳ, tình hình dịch bệnh đã trở nên đáng lo ngại do khu vực nuôi tôm của Tam Kỳ nằm ven sông Trường Giang nên việc các hộ nuôi tôm xả nước ra rất dễ lây lan sang hồ khác. Tại thôn Kim Đới, 20ha diện tích nuôi tôm trước lịch mùa vụ đều chết nổi trắng đồng. Tại huyện Duy Xuyên hiện có 2 hồ tôm đã bị nhiễm bệnh đều nằm trên địa bàn xã Duy Thành. Tại thôn Kim Thành, đã có 15ha diện tích nuôi tôm trước lịch mùa vụ bị chết…
Trước thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh Quảng Nam đã tiến hành lấy mẫu 34 mẫu tôm, 1 mẫu cá, 18 mẫu nước xét nghiệm. Trong đó tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh chết được lấy mẫu phân tích là 7ha. Theo kết quả xét nghiệm có 3/17 mẫu tôm dương tính với bệnh đốm trắng; 13/17 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy. Nguyên nhân chính được xác định do thời tiết trong thời gian qua bất thường, chênh lệch nhiệt độ nóng lạnh liên tục khiến động vật thủy sản không kịp thích nghi. Môi trường nước liên tục biến động tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trước tình hình dịch bệnh tôm nuôi diễn biến phức tạp, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã tham mưu đề xuất cấp hóa chất từ nguồn dự trữ quốc gia để khử trùng, làm sạch ao hồ. Bên cạnh đó, đã thông báo phối hợp với phòng nông nghiệp ở các địa phương làm việc với chủ các hộ có tôm bị bệnh xử lý ao nuôi tránh lây lan dịch bệnh trong vùng.