Theo đó, quy định đối với vùng khơi có 3.338 giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá; vùng lộng 1.224 giấy phép và vùng ven bờ 912 tàu cá. Giấy phép được phân bổ cụ thể đối với các nghề: lưới kéo, lưới vây, lưới rê, câu, chụp, lồng bẫy...
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chủ động điều chỉnh tăng, giảm hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng ven bờ đối với các nghề thân thiện với môi trường (câu, vây, rê, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản); riêng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản của nghề lưới kéo khai thác tại vùng lộng chỉ được phép điều chỉnh giảm, đồng thời tăng hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tương ứng đối với các nghề thân thiện với môi trường trong tổng số hạn ngạch đã được công bố.
Trước đó, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã cấp hạn ngạch khai thác vùng khơi cho 28 tỉnh, thành ven biển thông qua cấp giấy phép khai thác cho hơn 31.500 tàu cá công suất lớn (chiều dài 15m trở lên).
Theo thống kê, hiện cả nước có 96.600 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó tàu cá vỏ gỗ chiếm tỉ lệ 98,6%, còn lại là vỏ thép và vỏ vật liệu mới. Gần 47.500 tàu chiều dài từ 6-12m, gần 18.700 tàu cá có chiều dài từ 12-15m. Số lượng tàu có chiều dài 15m trở lên trên 31.500 chiếc, trong đó loại tàu 15-24m là 27.900 chiếc, tàu dài trên 24m là 2.600 chiếc.
Trong 28 địa phương được giao hạn ngạch, tỉnh nhiều nhất là Kiên Giang với 4.060 giấy phép, tiếp đó là Quảng Ngãi 3.338 giấy phép, Bình Định 3.118 giấy phép, Bà Rịa - Vũng Tàu 2.880 giấy phép… Những địa phương được phân bổ thấp là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Yên, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đều được cấp hạn ngạch dưới 500 giấy phép/địa phương; thấp nhất là TP. HCM và Ninh Bình chỉ được cấp 50 giấy phép.