Đã nhiều ngày, ông Trần Nam (thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đứng ngồi không yên vì tôm thẻ chân trắng được 1 tháng tuổi bị chết hàng loạt.
Ông Nam cho biết: “Tôi thả khoảng 20 vạn con tôm với diện tích 800m², gần đến 1 tháng thì xuất hiện tình trạng tôm bỏ ăn, bơi lờ đờ, tấp vào mé bờ và đỏ thân. Tôm ốm yếu và sau vài ngày thì chết. Đến nay đã chết hết 90% tôm trong diện tích nuôi. Thiệt hại giống tôm hơn 18 triệu đồng, chưa kể chi phí chăm sóc, thuốc men liên tục cho tôm kể từ khi phát hiện bệnh”. Ông Nam cho biết thêm, tôm chết rất nhanh và lan rộng nên dù dùng thuốc nhưng không có hiệu quả.
Tôm đỏ thân, ốm yếu và chết từ 3-5 ngày khi phát hiện bệnh. Ảnh: Nguyễn Trang
Hồ nuôi tôm của ông Phan Văn Giày, kế bên hồ nuôi ông Nam cũng đang trong tình trạng chết hàng loạt. Diện tích 3.500m², thả nuôi 20 vạn tôm giống, mật độ nuôi thưa. Ngay khi phát hiện tôm trong 1 hồ nuôi đầu tiên có dấu hiệu chết, ông Giày đã dùng thuốc và khoanh vùng bảo vệ hồ nuôi thứ 2 đang nuôi hơn 10 vạn tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên vẫn không có hiệu quả khi tôm ở 2 hồ nuôi đều bị chết hàng loạt.
Anh Lê Văn Việt, nhân viên khuyến nông-thú y, UBND xã Bình Dương, cho biết: “Tôm xuất hiện các dấu hiệu bỏ ăn, bơi lờ đờ, đỏ thân, ốm yếu. Quan sát tôm có dấu hiệu, khối gan tụy dễ vỡ, ruột rỗng, đứt quãng, không chứa thức ăn thì chỉ trong 3-5 ngày, tôm phát bệnh, tỷ lệ chết cao do bệnh hoại tử gan tụy”.
Sau khi phát hiện bệnh, các nhân viên khuyến nông-thú y đã thực hiện lấy 6 mẫu và gửi đi xét nghiệm thì có 5/6 mẫu dương tính. Thống kê có ít nhất 15ha diện tích nuôi tôm của 25 hộ ở xã Bình Dương có tôm bị chết hàng loạt.
Ông Đỗ Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho biết: “Sau khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy, xã đã tổ chức tiêu hủy, xử lý môi trường và làm chính sách hỗ trợ theo quy định cho người nuôi tôm. Hiện đã tiêu hủy 5 hồ nuôi”.
Ngoài xã Bình Dương thì xã Bình Chánh, người nuôi tôm cũng đang rất lo lắng khi xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt do bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.
Hồ nuôi tôm bị bỏ sau khi tôm chết hàng loạt. Ảnh: Nguyễn Trang
Từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh liên quan đến thủy sản đã xảy ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp do bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, trong đó tại huyện Tư Nghĩa xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt gây thiệt hại trong môi trường thủy sản, gây tổn thất lớn kinh tế cho người dân.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành khẩn trương khiển khai các biện pháp, kiểm tra tình hình dịch bệnh, lấy mẫu tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời cảnh báo, ứng phó trước tình hình biến đổi khí hậu.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thực hiện nghiêm công tác phòng dịch. Thực hiện điều tra, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển giống thủy sản không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.