Ngoài ra, thả bổ sung 20.000 con giống hải sâm vùng ven biển Đức Phổ, Mộ Đức và khu bảo tồn biển Lý Sơn. Tổng nguồn vốn thực hiện gần 5 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 3,7 tỉ đồng, số tiền còn lại do người dân đầu tư.
Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, việc phát triển nuôi hải sâm ở các địa phương ven biển nhằm đa dạng hóa đối tượng, phương thức, công nghệ nuôi kết hợp vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa mang lại hiệu quả môi trường, góp phần phát triển nuôi thủy sản bền vững.
Cụ thể, hải sâm là loài ăn lọc, thức ăn chủ yếu là chất mùn bã trên nền đáy và chất thải của thủy sản nuôi kết hợp nên góp phần cải thiện và giảm vấn đề ô nhiễm môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh, giải quyết tình trạng bỏ ao hồ trống do tôm nuôi bị dịch bệnh như hiện nay, nhất là không ảnh hưởng, cạn kiệt nguồn nước ngầm ở các vùng nuôi.
Qua tính toán sơ bộ của Sở NN-PTNT Quảng Ngãi về hiệu quả kinh tế nuôi hải sâm trên diện tích ao nuôi 2.500 m2 cho thấy, nếu nuôi đơn cho thu lãi 128 triệu đồng/năm, nuôi ghép tôm, ốc hương lãi từ 34 - 87 triệu đồng/năm.