Sau 5 năm tập trung thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU, giá trị sản xuất thủy sản năm 2018 toàn tỉnh đạt 10.727 tỷ đồng, chiếm 53,5% giá trị toàn ngành nông-lâm-ngư nghiệp, đóng góp 3,21% GRDP của tỉnh; năm 2019 ước đạt hơn 12.000 tỷ đồng; duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 14%/năm. Tổng sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 124.362 tấn, vượt 4,3% chỉ tiêu đề ra cho năm 2018.
Nửa đầu năm 2019, tổng sản lượng đã đạt hơn 64.000 tấn, cả năm 2019 ước đạt hơn 128.000 tấn. Cơ cấu ngành thủy sản chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng nuôi trồng chiếm gần 50%. Cơ cấu khai thác cũng thay đổi mạnh mẽ theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm mạnh khai thác ven bờ...
Đặc biệt, nhiều sản phẩm thủy sản Quảng Ninh đã xây dựng được thương hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường, như: Chả mực Hạ Long, ruốc hàu, mực ống Cô tô, sá sùng Vân Đồn, cua Quảng Yên... Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực cũng từng bước được tăng cường, tổ chức bộ máy tinh gọn, cơ chế chính sách phát triển thuỷ sản ngày càng hoàn thiện, đời sống ngư dân tiếp tục được cải thiện, nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế quá trình phát triển, kinh tế thủy sản của tỉnh giai đoạn qua vẫn còn tồn tại không ít hạn chế, bất cập. Đó là công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch chưa theo kịp yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng, dịch vụ hậu cần nghề cá còn thiếu, chưa đồng bộ; nguồn vốn hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho thủy sản còn thấp; nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành thủy sản còn thiếu; quy mô sản xuất thủy sản còn nhỏ lẻ, tự phát. Cùng với đó, phương thức nuôi còn lạc hậu, năng suất thấp; cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác mất cân đối, trình độ công nghệ thấp; công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái hiệu quả chưa cao; các sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn ở dạng thô, khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu còn thấp. Ngành thủy sản của tỉnh cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức liên quan tới những rủi ro về môi trường, thị trường, thiên tai...
Cơ cấu khai thác thủy sản được chuyển dịch theo hướng tăng khai thác xa bờ. (Trong ảnh: Đội tàu khai thác xa bờ của ngư dân huyện Cô Tô).
Trước thực trạng đó, với vai trò là đơn vị chủ lực, Sở NN&PTNT tỉnh đã tham mưu tỉnh xây dựng Đề án phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tạo bước chuyển rõ nét, bền vững trong phát triển lĩnh vực thủy sản; phục vụ cho việc ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
Đề án đặt ra nhiều mục tiêu trọng tâm, như: Phát triển ngành Thủy sản theo hướng bền vững, đảm bảo thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng; phương thức nuôi chuyển từ truyền thống sang công nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng; duy trì ổn định khai thác xa bờ có đầu tư trang thiết bị hiện đại, giảm nhanh số tàu ven bờ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo tồn, tái tạo, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, sản xuất theo chuỗi sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại; hình thành hệ thống phân phối sản phẩm thủy sản trong và ngoài nước...
Trong đó, phấn đấu đưa tổng sản lượng thủy sản trung bình tăng 3%/năm; giá trị sản xuất tăng trung bình 7%/ năm, chiếm tỷ trọng 60-65% trong cơ cấu tổng giá trị sản xuất nhóm ngành nông-lâm-ngư nghiệp; giá trị xuất khẩu tăng 3%/năm, đạt 150 triệu USD vào năm 2025 và 200 triệu USD vào năm 2030. Cùng với đó, đến năm 2025 sẽ nâng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 24.000ha, tăng sản lượng lên 84.000 tấn và đến năm 2030 có 26.500 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 108.000 tấn.
Cùng với đó là mục tiêu đến năm 2030 sẽ giải quyết việc làm cho thêm 90.000 lao động (50% số lao động được đào tạo từ sơ cấp trở lên); thu hút thêm 1.500 lao động kỹ thuật cao (chiếm tỷ lệ 10-12%) hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, tập trung cho khâu nuôi trồng công nghệ cao và sản xuất giống thuỷ sản.
ĐVTN TP Hạ Long thả tôm, cá giống, thực hiện chương trình tái tạo nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Vịnh Hạ Long.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu hàng năm sẽ thả bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên từ 2-3 triệu con giống; phục hồi từ 1-2% diện tích hệ sinh thái đặc trưng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn; thành lập các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn đất ngập nước, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản...
Theo dự kiến, sẽ có khoảng hơn 40 chương trình, dự án và nhiệm vụ sẽ được triển khai từ nay đến 2025. Các nội dung sẽ được triển khai bám sát với 6 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: Hoàn thiện thể chế; cụ thể hoá thông qua các đề án, dự án, chương trình phát triển trọng điểm; bố trí, huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn lực thực hiện; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; kết hợp phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh...
Hiện, Sở NN&PTNT đang tích cực hoàn thiện Đề án để sớm trình UBND tỉnh phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.