Tôm nước lợ được xác định là đối tượng nuôi chủ lực tại Quảng Ninh. Tuy nhiên hiện nay, tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng nuôi chính được nuôi bằng các hình thức bán thâm canh và thâm canh công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế lớn thì tôm sú mới chỉ được nuôi chủ yếu bằng hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến tại các địa phương với hiệu quả mang lại chưa xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm trong nuôi tôm sú còn chưa được người dân chú trọng, việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh và thức ăn tươi sống gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, giá cả đầu ra sản phẩm và tạo hiệu ứng không tốt cho người tiêu dùng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên được chỉ ra đó là do người nuôi chưa tiếp cận được qui trình kỹ thuật nuôi bền vững, ổn định môi trường, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2018, được sự quan tâm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Quảng Ninh đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm” nhằm tạo được những bước chuyển biến tích cực ngay từ vùng sản xuất, tận dụng lợi thế, phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Để đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, ngay khi triển khai Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị xây dựng bảng tiêu chí chọn hộ đảm bảo các yêu cầu về vùng qui hoạch, có vốn đối ứng, khả năng kỹ thuật và đặc biệt là tâm huyết với nghề. Qua đó đã chọn được 5 hộ (3 hộ nuôi cao triều, 2 hộ nuôi hạ triều) tại thị xã Quảng Yên đáp ứng được các yêu cầu để triển khai thực hiện. Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cũng bố trí cán bộ bám sát, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho 40 hộ nuôi trong và ngoài mô hình trên địa bàn thị xã; hướng dẫn lập kế hoạch, quản lý quá trình nuôi theo hướng an toàn thực phẩm và hướng dẫn các hộ ghi chép hồ sơ... Qui trình kỹ thuật áp dụng trong mô hình từ khâu chuẩn bị ao nuôi, xử lý nước đến thả giống luôn được các hộ nuôi tuân thủ chặt chẽ. Tôm giống được đặt mua tại cơ sở sản xuất có uy tín với chứng nhận đã được kiểm dịch. Với mật độ thả nuôi vùng cao triều 15 con/m2, vùng hạ triều 10 con/m2 (tổng lượng giống thả là 650.000 con), thức ăn được sử dụng trong mô hình là thức ăn công nghiệp không có chứa chất cấm trong thành phần theo qui định của nhà nước. Quá trình nuôi, tôm được bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, chế phẩm EM để tăng cường đề kháng, giúp tôm phát triển tốt.
Sau 5 tháng thả nuôi cho thấy, tôm tại vùng cao triều đạt tỷ lệ sống 62%, kích cỡ thu hoạch trung bình 38,7 con/kg, năng suất đạt 2,39 tấn/ha; tôm tại vùng hạ triều đạt tỷ lệ sống 60,5%, kích cỡ thu hoạch trung bình 36 con/kg, năng suất đạt 1,68 tấn/ha cao hơn so với mục tiêu đặt ra của dự án. Về các tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm, các hộ dân đã tuân thủ theo đúng các qui trình, qui phạm đề ra; mô hình đã giảm thiểu được dịch bệnh, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh nên không nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau quá trình nuôi, nhận thấy sản phẩm tôm từ mô hình đáp ứng tốt các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhiều thương lái đã đặt vấn đề thu mua toàn bộ sản lượng thu được.
Có thể nói, dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm” thành công đã mở ra một hướng đi mới trong nuôi tôm nước lợ, hướng tới phát triển bền vững, hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.