Năm 2015 bằng nguồn kinh phí Trung ương, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã triển khai mô hình “nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” với quy mô 2ha tại TP Móng Cái và thị xã Quảng Yên nhằm giúp bà con nuôi tôm tăng lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trung tâm đã phối hợp với 2 địa phương chọn 5 hộ có đủ điều kiện tham gia mô hình, tổ chức tập huấn, hỗ trợ 100% giống, 30% thức ăn, vật tư và cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP cho các hộ tham gia.
Trong quá trình triển khai dự án cho thấy, các hộ nuôi tôm đã thực hiện nghiêm túc các quy trình được hướng dẫn, không sử dụng các chất cấm, các chất thải trước khi xả ra môi trường đều được kiểm soát. Theo quy trình, tôm được thả nuôi với mật độ 80 con/m2, con giống qua kiểm dịch và có cỡ đồng đều, khỏe, sạch bệnh, được mua tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Thức ăn được mua tại các đại lý đóng trên địa bàn nhưng đảm bảo được đóng gói, sản xuất theo quy định của ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Quá trình nuôi được ứng dụng công nghệ sinh học, sử dụng các chủng vi sinh vật có lợi nhằm cải tạo môi trường, hạn chế dịch bệnh… Kết quả kiểm tra cho thấy, tôm đạt tỷ lệ sống trung bình 80%, tôm phát triển nhanh hơn, môi trường nuôi ổn định hơn.
Về hiệu quả kinh tế, lợi nhuận so sánh giữa mô hình nuôi theo VietGAP và không theo VietGAP rất rõ rệt. Tại hộ ông Nguyễn Đức Cảnh (phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên), là hộ có thu nhập cao nhất mô hình, đạt 401,6 triệu đồng, tăng gấp đôi so với nuôi theo cách truyền thống. Còn hộ ông Đoàn Văn Quân (phường Hải Hòa, TP Móng Cái), sau khi trừ chi phí, cũng cho thu nhập tăng 24%. Theo đánh giá của các hộ tham gia thì việc áp dụng, tuân thủ theo các quy định thực hành nuôi tôm theo VietGAP đã giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn các hộ nuôi tôm trong khu vực lân cận.
Ông Nguyễn Bá Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Nếu người nuôi tôm thực hiện theo đúng quy trình VietGAP thì các khâu trong quá trình nuôi sẽ được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa mầm bệnh và dịch bệnh nhờ kiểm soát được nguồn gốc con giống, vật tư đầu và xử lý tốt các chất thải trong quá trình nuôi, không sử dụng các loại thuốc, hóa chất cấm, giảm chi phí sản xuất, do vậy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cách nuôi không theo quy trình VietGAP”.
Cùng với việc triển khai mô hình điểm, các hoạt động tập huấn, hội thảo, tuyên truyền của dự án nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP đã giúp người nuôi tôm được tiếp cận với quy trình nuôi mới, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xử lý nước ao nuôi, tôn trọng các quy trình kỹ thuật và bảo vệ môi trường một cách khoa học nhằm phát triển bền vững các mô hình nuôi tôm tại các điểm nuôi trồng tập trung.
Nuôi tôm theo quy trình VietGAP không khó, không tốn kém nhiều so với nuôi theo cách truyền thống, nhưng có thể khẳng định lợi ích của nó mang lại không hề nhỏ. Vì vậy, để mô hình được nhân rộng thì rất cần các cấp quản lý có giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm thẻ chân trắng nuôi theo VietGAP, nâng giá trị của sản phẩm sạch để hướng đến mục tiêu sản xuất tôm sạch, chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.