Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Cô Tô Nguyễn Đức Thành cho biết việc làm cấp thiết hiện nay của huyện là phát triển và đưa ngành hải sản trở thành ngành kinh tế nền tảng, tạo đà cho Cô Tô vươn ra biển lớn.
Mặc dù có thế mạnh về khai thác thủy sản với rất nhiều loài cá, trong đó có khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, nhiều loại quý hiếm mà ít địa phương nào có được như ngọc trai, bào ngư, tu hài, trân châu, cá song, cá mú... nhưng do khó khăn về khoảng cách, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, công tác bảo quản, sơ chế... nên việc đánh bắt thủy sản ở Cô Tô chủ yếu vẫn ở gần bờ. Điều này khiến cho nguồn lợi thủy sản của địa phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Thành, để khắc phục những hạn chế trên, việc gấp rút xây dựng Trung tâm hậu cần nghề cá trên địa bàn huyện, đa dạng hóa các loại hình dịnh vụ là việc làm cấp thiết để đưa đảo ngọc Cô Tô thực sự trở thành Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất của cả khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ.
Dự án Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Vịnh Bắc Bộ tại huyện Cô Tô được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt quyết định đầu tư từ năm 2007 và khởi công xây dựng từ năm 2009, với tổng mức đầu tư hơn 466 tỷ đồng.
Dự án gồm có các hạng mục là đê chắn sóng kết hợp bến cập tàu 600CV có chiều dài 900m; đường ra bến cập tàu dài 1,775km; khu hậu cần kết hợp bến cập tàu 150CV; nhà điều hành, chợ đầu mối; các kho tiếp nhận, phân loại và bảo quản thủy hải sản; các nhà máy chế biến hải sản, nhà máy sản xuất nước đá; khu cung cấp xăng dầu, ngư cụ, lương thực, thực phẩm cho ngư dân; khu đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và các công trình phụ trợ khác.
Dự kiến trong năm nay, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ là nơi cung cấp đầy đủ các dịch vụ, cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân như dầu diesel, nước ngọt, hàng đông lạnh, lương thực, vật tư ngư nghiệp... để ngư dân yên tâm bám biển dài ngày. Trung tâm sẽ là đầu mối vận tải hàng hóa lớn nhất ở Cô Tô, đặt nền tảng phát triển cho ngành công nghiệp chế biến thủy sản của huyện đảo, từng bước xây dựng Cô Tô trở thành một “thương cảng mới” với đa dạng hóa các loại hình dịnh vụ.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Thành cho biết định hướng nhất quán để phát triển vùng biển đảo Cô Tô trong giai đoạn tới là khai thác và phát huy triệt để những tiềm năng, lợi thế sẵn có, nắm bắt các cơ hội, thu hút đầu tư để phát triển nhanh, tạo sự bứt phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, Cô Tô sẽ từng bước được xây dựng thành một vùng đảo có kinh tế phát triển năng động, một căn cứ vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cô Tô đang tập trung phát triển các thương hiệu sản, nâng cao giá trị sản phẩm thủy hải sản đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, xây dựng một số cơ sở chế biến thủy sản, xây dựng cơ sở sản xuất nước mắm, cơ sở chế biến cá đóng hộp, cá khô, mực một nắng, mực khô tại Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của huyện.
Mới đây, tháng 10/2013, điện lưới quốc gia đã được đưa ra đảo Cô Tô mở ra một giai đoạn phát triển mới của cả vùng biển đảo Cô Tô, nhất là trong phát triển ngành hải sản. Có điện lưới quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho Cô Tô phát triển toàn diện, tiến hành hiện đại hóa ngành hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất và chất lượng cao, có sản phẩm đa dạng để xuất khẩu và phục vụ du lịch.
Cô Tô cũng xác định phát triển ngành hải sản phải kết hợp hài hòa giữa khai thác theo quy hoạch với phát triển nuôi biển và dịch vụ nghề cá; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững.
Từ nay đến năm 2020, ngành hải sản của Cô Tô phấn đấu đạt tổng sản lượng khai thác từ 8.000 đến 10.000 tấn/năm, đạt giá trị khoảng 160-170 tỷ đồng vào năm 2020, chiếm trên 30% tổng GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 12-13%/năm, góp phần nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 18-20%/năm./.