Ông Hoàng Thế Vinh, ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh cho hay: Lâu nay nuôi theo hình thức lót bạt cao triều truyền thống, khi nhập tôm giống về thả ngay ra hồ, diện tích mặt nước lớn, rất khó quản lý, chăm sóc tôm con và khó kiểm soát lượng thức ăn, đặc biệt không kiểm soát được dịch bệnh nên rủi ro cao. Đầu năm 2018, được sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn 400 triệu đồng và được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, ông đã đầu tư 600 triệu đồng, xây dựng bể ươm, bể lắng, bể xử lý và cải tạo 2 hồ nuôi có diện tích gần 0,3 ha, tổ chức nuôi theo 2 giai đoạn. Khi nhập tôm giống nhập về, ông đưa vào bể để ươm, theo dõi chăm sóc, sàng lọc, sau đó mới thả ra hồ nuôi đại trà, cách làm này tỷ lệ tôm giống sống cao, có sức đề kháng lớn và sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện tại, ông đã nuôi được 4 tháng, khoảng 1 đến 2 tuần nữa là thu hoạch, dự kiến sẽ cho nguồn thu gần 100 triệu đồng/vụ, tương đương 1 ha khoảng 300 triệu đồng/vụ.
Không chỉ ông Hoàng Quang Vinh, hiện nay trên địa bàn Quảng Trị, ngoài Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho một số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng một giai đoạn chuyển sang quy trình nuôi tôm siêu thâm canh hai giai đoạn. Kết quả cho thấy, tuy nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, song hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Nếu như trước đây chỉ nuôi được 2 vụ nay có thể tăng lên 4 đến 5 vụ, người nuôi kiểm soát được con giống, quản lý môi trường tốt hơn, tiết kiệm đáng kể về thời gian, công sức cũng như giảm các loại chi phí nên lợi nhuận mang lại cao gấp 2-3 lần so với trước đây. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, sử dụng men vi sinh, không dùng hóa chất và kháng sinh để quản lý các yếu tố môi trường, nên chất lượng tôm nuôi rất đảm bảo.
Ông Trần Văn Thu, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị cho biết: Toàn tỉnh hiện có 800 ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú, tập trung ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Tuy nhiên lâu nay người dân nuôi theo phương pháp truyền thống, ít chú ý đến chất lượng con giống, nhiều nơi nuôi không theo quy hoạch, không kiểm soát được môi trường nên đã xảy ra dịch bệnh, gây không ít thiệt hại. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về tai cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở khảo sát thực tế, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chủ động tìm nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển một số cây con chủ lực, trong đó có con tôm. Trong đó, bước đầu đã hỗ trợ xây dựng một số mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn và trong thực tế cho thấy mang lại hiệu ích về nhiều mặt. Do vậy, trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí cũng như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp cho người dân mở rộng diện tích và nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Đồng thời, nghiên cứu lựa chọn xây dựng thêm nhiều mô hình đối với các loại con nuôi khác, góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.