Quảng Trị có bờ biển dài hơn 75km và ngư trường rộng lớn với nhiều loại hải sản có giá trị, nhưng do thiếu vốn nên ngư dân chủ yếu đánh bắt trung bờ và gần bờ nên đời sống còn khó khăn. Nhằm phát triển kinh tế vùng ven biển, tận dụng lợi thế sẵn có, giúp người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động khuyến ngư. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh đã khảo sát thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân vùng ven biển, mở các lớp tập huấn kỹ thuật và xây dựng các mô hình trình diễn về nuôi trồng các loại thủy sản, trang bị ngư lưới cụ, thiết bị thông tin liên lạc tiên tiến trong khai thác hải sản xa bờ, chuyển giao một số nghề khai thác thủy sản mới cho khối tàu trung và xa bờ. Kết quả cho thấy, nhiều mô hình thực hiện ở vùng bãi ngang ven biển mang lại hiệu quả kinh tế cao, như nuôi tôm thẻ chân trắng, cá rô đầu vuông, cá chẽm trong ao, cua nước lợ, nuôi cá chình lồng, hoặc khai thác hải sản khi ngư dân cải hoán hầm tàu bảo quản bằng vật liệu PU, sử dụng máy dò ngang, thực hiện mô hình lưới rê đáy khai thác ghẹ cải tiến, lưới rê khai thác cá chim, mô hình chụp mực 4 tăng gông… đều mang lại hiệu quả cao về năng suất, sản lượng.
Mô hình nuôi cá chẽm của gia đình ông Hoàng Mạnh Hùng, xã Trung Giang, huyện Gio Linh là một minh chứng. Trước đây, gia đình ông nuôi tôm, nhưng do nhiều nguyên nhân tôm hay bị dịch bệnh nên không có lãi, thậm chí lỗ nặng. Trong lúc chưa có hướng chuyển đổi làm ăn, ông được tham gia xây dựng mô hình nuôi cá chẽm trong ao, do Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh triển khai, được hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn và hóa chất, chế phẩm sinh học và được tập huấn kỹ thuật. Sau một vụ nuôi, ông nhận thấy, điều kiện nuôi, chăm sóc dễ, đặc biệt tốc độ tăng trưởng của cá chẽm tốt, sau 8 tháng mỗi con tăng trọng khoảng 1kg với giá thị trường từ 70 - 100.000 đồng/kg nên đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập cao. Hiện nay, ông đang tiếp tục mở rộng diện tích nuôi loại cá này. Cũng như gia đình ông Hùng, nhờ được Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình anh Lê Văn Niềm, thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, Gio Linh đã rất thành công với mô hình nuôi cá rô đầu vuông. Anh Niềm chia sẻ, với diện tích 1.000m2 ao nuôi, có thể thả 15.000 con cá giống và sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Với ưu điểm vượt trội: thời gian nuôi ngắn, tốn ít thức ăn nên chi phí đầu tư thấp, chỉ sau khoảng 3 tháng, cá đạt kích cỡ 4 - 5kg/con. Mỗi lứa cá thu hoạch, trừ chi phí mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Từ hiệu quả kinh tế rõ rệt nhiều mô hình mang lại, hầu hết ngư dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm tàu thuyền và ngư lưới cụ để vươn ra khơi xa. Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh Nguyễn Trường Kỳ cho biết, những năm gần đây, ngư dân trên liên tục được mùa là nhờ mạnh dạn vay vốn mua sắm tàu thuyền có công suất lớn để vươn khơi xa; đồng thời được tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tổ chức; được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng trong tỉnh, nhờ vậy không chỉ tiết kiệm chi phí mà nguồn lợi thu lại cao gấp 3 - 4 lần so với trước.
Khuyến ngư là quá trình hoạt động phổ cập và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và kinh nghiệm, cung cấp thông tin cho người dân, giúp phát triển sản xuất đạt hiệu quả cao. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã tập trung xây dựng và phát triển mạng lưới khuyến ngư tới tận cơ sở và đội ngũ này thường xuyên được đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, là lực lượng nòng cốt trong việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật… Ngoài ra, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Nguyễn Trung Hậu, thời gian tới, cùng với việc nghiên cứu các đề tài, dự án liên quan đến phát triển kinh tế vùng biển, Trung tâm sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật; mặt khác, đầu tư triển khai thực hiện những mô hình thí điểm trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản; xây dựng thêm nhiều mô hình trình diễn, nhân rộng những mô hình đạt hiệu quả cao, hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn cho dân phát triển nghề nuôi cá truyền thống, nuôi cá thâm canh; chú trọng xây dựng các mô hình cơ giới hóa nghề cá để giảm nhẹ cường độ và bảo đảm an toàn lao động cho ngư dân.