Dưới tán cây xanh mát nơi thôn Lan Đình, xã Gio Phong, chàng trai trẻ Trần Quốc Toản (sinh năm 1992) miệt mài chăm sóc đàn cá chình trong hệ thống bể nuôi bê tông. Nhìn cách Toản chăm chút đàn cá, có thể thấy được sự tâm huyết của người thanh niên này.
Tiếp chuyện chúng tôi, Toản kể, vì hoàn cảnh gia đình nên sau khi học hết trung học phổ thông, Toản quyết định “Nam tiến” để làm công nhân, phụ giúp gia đình. Toản trải qua nhiều công việc ở những công ty khác nhau. Cuối năm 2017, Toản về quê nhà ăn tết cùng người thân và quyết định ở lại lập nghiệp.
Khi được tôi hỏi “Sao lại quyết định về quê làm nông nghiệp và chọn nuôi cá chình, một loài cá khó nuôi?”, Toản trả lời: “Thật ra, ý tưởng về quê nhà lập nghiệp đã xuất phát từ lúc tôi bước chân vào Sài Gòn làm việc. Lựa chọn đi là để có kinh nghiệm, vốn liếng để về quê lập nghiệp chứ không phải ở xứ người. Quãng thời gian dài bôn ba nhiều nghề, khắp nơi trên mọi miền đất nước, tôi đã cố công tìm tòi nuôi con gì, trồng con gì cho hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở quê. Sau nhiều lần tìm hiểu, tôi quyết định nuôi cá chình. Loài này tuy khó nuôi nhưng nếu nuôi tốt thì hiệu quả kinh tế rất cao”.
Để bắt tay thực hiện kế hoạch ấp ủ bấy lâu, tháng 4/2018, Toản huy động được 100 triệu đồng làm vốn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và nhập mua con giống về nuôi thử nghiệm. 3 bể nuôi bê tông được Toản xây dựng theo đúng kĩ thuật, mỗi bể có diện tích 70 m2 . Còn cá chình giống được Toản nhập về từ Công ty Vạn Xuân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ban đầu, Toản thả trên 300 con giống, mỗi con có trọng lượng khoảng 100 gam. Toản nói: “Nuôi từ 1 năm trở lên, cá sẽ xuất bán được với trọng lượng mỗi con chừng hơn 1 kg. Giá cá chình hiện tại trên thị trường được bán với giá từ 430 - 450 ngàn đồng/kg. Đây là loài có giá trị kinh tế cao và được thị trường rất ưa chuộng”.
Từ khâu con giống đến đầu ra đều được Công ty Vạn Xuân “bao trọn gói” nên Toản không còn lo lắng gì mà chỉ tập trung vào việc nuôi cá chình cho thật tốt. Mỗi khi đến thời điểm thu hoạch, Công ty Vạn Xuân sẽ cho xe ra tận nơi thu mua hết số cá mà Toản nuôi được. “Cá chính là loài ăn tạp nên tôi tận dụng thức ăn có sẵn, tự kiếm được như tôm, tép, cá tạp nên kinh phí thức ăn được giảm thiểu tối đa. Kĩ thuật đã nắm vững nên mỗi khi cá bị bệnh tôi có thể chữa trị được. Hiện tại, cá đang sinh trưởng và phát triển rất tốt. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2019, tôi sẽ thu cá”, Toản phấn khởi nói. Toản cũng cho biết thêm rằng, Huyện đoàn Gio Linh đã lên kế hoạch hỗ trợ Toản về nguồn vốn để đầu tư nuôi thêm cá chình.