Từ cuối năm 2017 đến nay, chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Phương Lang, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng ngày nào cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi là ra đồng bắt ốc để bán kiếm thêm thu nhập. Theo chị Hiền, ở vùng thuần nông như Phương Lang, ngoài trồng lúa và canh tác hoa màu trên vùng cát thì chẳng có thêm nghề khác để có thêm nguồn thu nhập. “Từ khi có điểm thu mua ốc bươu vàng tại thôn, người dân có thêm việc làm và thu nhập. Cứ mỗi lúc làm việc đồng áng hay có thời gian rảnh là tôi, có khi có thêm các con phụ thêm tranh thủ đi dọc theo các tuyến kênh mương, mép ruộng, ao hồ… để nhặt ốc. Chăm chỉ thì một buổi cũng nhặt được 30- 40 kg ốc, bán được chừng 60- 80.000 đồng, cũng có thêm tiền trang trải cuộc sống”, chị Hiền nói.
Là người theo nghề “ngao, sò, ốc, hến” từ vài chục năm qua, vợ chồng anh Lê Hữu Ly, ở thôn Phương Lang từ khi có điểm thu mua ốc bươu vàng cũng đã tích cực bắt loại ốc gây hại này. Vốn dân chuyên nghề nên vợ chồng anh Ly không dùng tay nhặt mà có hẳn dụng cụ là chiếc dũi làm bằng tre. “Vợ chồng tôi dùng chiếc dũi này cào từ đáy lòng kênh mương, sông nên thu được ốc gấp 4-5 lần so với nhặt tay. Mỗi ngày làm cật lực, ngoài ốc hút thì vợ chồng tôi kiếm được cả tạ ốc bươu vàng. Với giá ốc hút hiện tại tôi bán 6.000 đồng/kg, ốc bươu vàng từ 2.500- 3.000 đồng thì một ngày kiếm được 400-500.000 đồng là bình thường. Cũng nhờ nghề này, đặc biệt là thu nhập thêm từ ốc bươu vàng mà vợ chồng tôi có thêm tiền để nuôi 4 đứa con ăn học”, anh Ly chia sẻ. Ông Võ Văn Tâm, (70 tuổi) ở thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh vừa tranh thủ mang khoảng 20 kg ốc bươu vừa bắt được sang bán cho chị Thúy, cho biết: “Vợ chồng tui đều lớn tuổi nên cũng không làm lụng được gì nhiều, chỉ tranh thủ bắt ốc bươu vàng nên có thêm đồng ra đồng vào để mua thức ăn”.
Bắt đầu khoảng 3 giờ chiều, tại địa điểm thu mua ốc bươu vàng quen thuộc của chị Nguyễn Thị Thúy nằm sát mép đê thủy lợi thôn Phương Lang đã có rất đông người dân đến bán ốc bươu vàng. Người bắt ốc bươu vàng chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và một số người lớn tuổi. Khách hàng bán ốc cho “đại lý” thu mua của chị Thúy không chỉ trong xã Hải Ba mà còn ở nhiều xã lân cận như Hải Quế, Hải Xuân, Hải Vĩnh (huyện Hải Lăng); Triệu Sơn, Triệu Trung, Triệu Lăng (huyện Triệu Phong)… Chị Thúy cho biết: “Trước đây tôi làm công nhân may ở trên thị trấn Hải Lăng. Từ khi biết có người về thu mua ốc bươu vàng nên tôi nghỉ làm công nhân và mở điểm thu mua ốc cho người dân. Bình quân mỗi ngày tôi thu mua từ 3- 4 tấn ốc, cao điểm lên đến 5 tấn. Đầu năm 2018, giá ốc 3.000 đồng/kg, đến nay thì giảm còn khoảng 2.500 đồng/kg. Khoảng 2- 3 ngày là có xe ô tô tải đến thu gom một lần. Nói chung nghề này cũng nhẹ nhàng, hợp với nông dân và cũng có thêm nguồn thu nhập nên ai cũng thấy phấn khởi”. Tiếp xúc với chủ xe tải mang biển kiểm soát tỉnh Bình Định đang thu gom ốc bươu vàng từ điểm của chị Thúy, người này cho biết, ốc thu mua sẽ bán lại cho những cơ sở nuôi thủy hải sản như tôm, cá và cả gia súc, gia cầm ở các tỉnh Nam Trung bộ làm thức ăn cho vật nuôi.
Có thêm nguồn thu nhập trên chính cánh đồng của mình, thời gian gần đây, nông dân vùng trũng huyện Hải Lăng tự giác bắt ốc bươu vàng mà không chờ chính quyền phát động như trước đây. Trước đây, ốc bươu vàng bắt được sau các đợt phát động, người dân thường rải lên đường để xe cán qua tiêu hủy hoặc chất đống ngoài đồng chờ phân hủy, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Nay việc thu mua ốc bươu vàng mang lại “lợi ích kép” khi vừa diệt được sinh vật ngoại lai, bảo vệ mùa màng vừa mang lại thu nhập khá cho người dân lúc nông nhàn. Hiện nay, nông dân tại nhiều xã ở huyện Hải Lăng có thời gian rỗi là lại ra đồng bắt ốc để có thu nhập cũng như góp phần tiêu diệt, hạn chế sự tàn phá đồng ruộng của ốc bươu vàng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ba Trần Ngọc Hoàng cho biết: “Trước đây, sau thời điểm gieo sạ chúng tôi thường chỉ đạo các HTX phát động người dân ra quân tiêu diệt ốc bươu vàng. Nhưng nay không cần phát động, nông dân cũng tự giác bắt vì họ có thu nhập khá từ công việc này. Hiện toàn xã có 4 điểm thu mua, bình quân mỗi ngày thu mua được trên 10 tấn ốc, đây là điều rất đáng mừng”. Theo anh Hoàng, qua khảo sát trên đồng ruộng của địa phương năm vừa qua nhận thấy, số lượng ốc bươu vàng đã giảm đi nhiều vì thế nạn ốc cắn phá lúa cũng giảm rõ rệt và cây lúa sinh trưởng tốt. Đồng thời, người dân chủ yếu bắt ốc bươu vàng bằng phương pháp thủ công nên đã gián tiếp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, qua đó cũng góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các địa phương.