Càng bẩn càng nhiều
Trời âm u, lạnh lẽo, cơn mưa lất phất kéo dài từ hơn hai giờ trước chưa dứt. Anh Nam dẫn PV Tiền Phong đi trên con đường quanh co, vào một nơi hẻo lánh thuộc phường Long Tuyền (Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ở đó có một con kênh nhỏ bề ngang chừng ba mét, cỏ mọc um tùm. Con kênh nằm cạnh một chuồng heo hơn chục con, hứng phân, nước đái và mọi thứ chất thải. Kênh nhỏ và cạn nên nước đen ngòm, hôi hám.
Mưa vẫn lắc rắc, nhìn cái kênh đen thêm lạnh xương sống. Anh Nam lội ngay xuống kênh trầm mình vào dòng nước, hai tay cầm vợt đãi trùn. Anh bước tới đâu cặn bã dưới đáy kênh bị khuấy nổi lên càng làm cho nước thêm đặc quánh, hôi thối nồng nặc. Anh xúc chừng chục phút thì mặt, môi tím ngắt. Anh run run nói, lạnh lắm! Thứ trùn anh xúc được nhỏ li ti như sợi chỉ, sống ở những nơi nước rất bẩn như nơi thải của chuồng chăn nuôi, ao cá và cả miệng cống của các chợ hay công ty, xí nghiệp xả nước thải chưa xử lý. Càng dơ bẩn, trùn chỉ càng tập trung sinh sôi nảy nở.
Trùn chỉ xúc được lõng bõng cả thứ nước dơ bẩn ấy. Anh Nam mang về nhà, đem đổ vào chậu nước lớn vài giờ, trùn nổi lên, lấy tay vớt trùn để riêng, còn lớp bùn lắng dưới đáy thau đổ đi. Đến chiều, có người tới tận nhà mua với giá dao động hiện nay 30.000 - 40.000 đồng/kg. Một ngày, anh Nam vớt được vài ki-lô-gam.
Anh Nam theo nghề xúc trùn chỉ từ cha đẻ là ông Dương Hoàng Đệ, 59 tuổi. Ông Đệ kể, trước đây, trong xóm này chỉ có ông và vài người đi xúc trùn chỉ, thấy có thu nhập rồi cả xóm kéo nhau đi tới giờ. Có hôm lạnh quá chịu không nổi, những người xúc trùn chỉ phải kiếm bẹ dừa, lá khô đem đốt lên để sưởi. Cứ ở dưới nước dăm phút là phải leo lên bờ sưởi ấm mới tiếp tục công việc được.
Người đông của khó, bây giờ để kiếm được trùn chỉ, người dân ở xóm trùn chỉ phải đi khắp nơi bất kể ngày đêm. Đi vào lúc chiều tối hay đêm khuya, tùy theo con nước. Ông Đệ kể, để đi xa, thường dậy từ nửa đêm, đi xa có đêm xúc được 4 - 5kg trùn. Đi khắp các tỉnh ĐBSCL, nhưng dù ở đâu thì cũng đều tìm đến những nơi dơ bẩn nhất, ngâm mình trong nước phân và nhiều thứ ô nhiễm khác.
Tai nạn rình rập
Khoảng 5 năm trước, phong trào nuôi cá tra phát triển rầm rộ, đột nhiên trùn chỉ sinh sôi nhiều thì cả xóm ùn ùn đi bắt trùn chỉ, có nhà kéo nhau cả vợ lẫn con lên tỉnh An Giang, Đồng Tháp cắm lều trại, thuê nhà trọ để xúc. Họ cử riêng một người chở trùn chỉ về nhà kẻo để lâu trùn bị chết. Thời điểm đó giá trùn chỉ 17.000 - 18.000 đồng/kg, có gia đình một ngày xúc được 30 - 40 kg, nhưng chi phí đi xa cũng tốn kém.
Xúc trùn chỉ không dễ kiếm tiền, nhưng chịu khó chịu khổ thì cũng sống được qua ngày. Tuy nhiên, tai nạn luôn rình rập, chỉ một chút bất cẩn là phải trả giá. Ông Dương Hoàng Đệ giơ bàn tay trái cho xem vết sẹo dài do mảnh vỡ bóng đèn cắt đứt 3 ngón trên mu bàn tay ngọt lịm, trong một lần xúc trùn ở dưới sông gần cầu Nhị Kiều (Ninh Kiều, TP Cần Thơ), đến nay hơn hai năm chưa lành.
Ông kể, ông lội xuống chỗ rợn cả người, nhà vệ sinh của một khu dân cư sống ven sông thải trực tiếp xuống. Ông bước nhẹ nhưng rong bợn vẫn nổi lên cuồn cuộn, mùi hôi thối nghẹt thở. Ông phải nín thở để bước tới xúc mớ trùn rồi lui ra, chứ không dám ở lâu, thế rồi mảnh thuỷ tinh cắt máu chảy ròng ròng. “May mà không nhiễm trùng uốn ván, nhưng quá lâu lành. Những người ngâm trong nước bẩn lâu ngày đều bị ngứa, lở loét tay chân, viêm mũi”, ông Đệ cho hay.
Anh Lê Trung Chánh, 32 tuổi, xúc trùn chỉ cũng đã được 9 năm, nhớ lại hồi năm 2008 trong một lần đi xúc trùn chỉ: “Tôi chạy tới Thơm Rơm (Thốt Nốt, TP Cần Thơ) khoảng 3 giờ khuya bị xe du lịch 4 chỗ phóng quá nhanh, cán lên người làm gãy xương sườn, nằm Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị gần ba tháng”. Khi xảy ra tai nạn, mọi người cùng đi ngỡ anh Chánh đã chết, gọi điện về nhà báo cho vợ anh chuẩn bị hòm vỏ mai táng. May mắn gặp được bác sĩ giỏi mà anh sống lại.
Tương lai u buồn
Nhà của ông Dương Hoàng Đệ mái tôn rộng chừng 20 m2, bên trong có chiếc ti vi, bộ bàn ghế cũ. Ông che thêm một mái lá bé tí, nay đã mục nát, để vợ bán tạp hóa, đồ ăn sáng, cứ mỗi khi trời mưa nước đều chảy thẳng xuống sàn nhà. Trước đây, ông làm nghề phụ hồ nhưng sức khỏe yếu nên năm 2002, theo nghề xúc trùn chỉ. “Tôi làm thuê cả đời chẳng lo được cho con cái ăn học đàng hoàng”, giọng ông Đệ buồn rầu.
Đồ nghề xúc trùn chỉ là vợt và thau. ẢNH: HÒA HỘI.
Vợ chồng ông Đệ không có ruộng đất, có 4 người con, tất cả học chưa hết trung học cơ sở. Con trai lớn của ông đã có vợ, sống nghề làm thuê ở Vị Thanh (Hậu Giang), con tiếp là Dương Văn Nam có vợ ở riêng, theo nghề xúc trùn chỉ của ông. Hai con gái cũng đi làm thuê, thỉnh thoảng mới về thăm nhà một lần.
Hằng ngày, ông Đệ thức dậy sớm phụ vợ đi chợ mua đồ về bán bún riêu, đến mờ sáng đi xúc trùn chỉ quanh các chợ ở khu vực Cần Thơ như Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng. Bà Huỳnh Thị Mum, 60 tuổi, vợ ông Đệ từ trong nhà nói vọng ra, cả tuần nay ông Đệ bệnh có đi xúc trùn gì đâu, trong khi buôn bán thì ế ẩm. Nghe vợ nói ông Đệ buồn bã tâm sự, nghề này là vậy đó, đi về có trùn thì vợ con không nói gì, còn tay không thì vợ không được vui. “Những lúc ngâm mình dưới nước, vừa đói vừa khát hay lạnh ngồi co ro trong đêm tối, nghĩ phận đời buồn lắm”, ông Đệ thở dài.
Gia đình anh Lê Trung Chánh sống trong căn nhà lá diện tích khoảng 30 m2. Sau khi anh bị tai nạn, nằm ở nhà không đi xúc trùn chỉ được nữa, bất ngờ vợ anh cùng con gái út bỏ về nhà ở Sóc Trăng cho đến nay, mặc anh với đứa con trai đang học lớp 8. “Ngày vợ bỏ đi tôi suy sụp tinh thần, không muốn sống nữa. Nhưng nghĩ đến con mà cố gượng để sống”, anh Chánh ngậm ngùi nói. Năm 2003, anh kết hôn với chị Lê Thị Hằng, 30 tuổi quê ở Trà Cú (Ngã Năm, Sóc Trăng). Hai người sống với nhau sinh được hai con, những ngày hạnh phúc thì anh đi xúc trùn chỉ, chị ở nhà nội trợ. Giờ đây, năm học mới chuẩn bị bắt đầu, trong lúc vợ bỏ đi, bản thân anh Chánh bệnh không làm ra tiền nên “không biết tính sao cho thằng con trai”.
Cùng “xóm trùn chỉ”, anh Châu Văn Hùng mới 25 tuổi đã làm nghề được 7 năm. Anh Hùng kể, anh là con út trong gia đình có 6 chị em, tất cả học chỉ đến lớp 5. Chị em có gia đình riêng, sống xúm xít bên nhau, thu nhập chủ yếu bằng nghề xúc trùn chỉ đắp đổi qua ngày. Các con của họ, đều thất học và chưa biết có thể làm được nghề gì ngoài dầm mình trong nước phân để xúc trùn chỉ như ba má.
Trưởng ấp Tân Phú, Liễu Văn Sắc cho biết xóm trùn chỉ còn gọi là xóm Rạch Bọng có 73 hộ với hơn 200 nhân khẩu, trong đó hai phần ba sống bằng nghề xúc trùn chỉ, chưa gia đình nào có con học hết lớp 12.
Những lúc ngâm mình dưới nước, vừa đói vừa khát hay lạnh ngồi co ro trong đêm tối, nghĩ phận đời buồn lắm. Ông Dương Hoàng Đệ