Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải tàu biển Việt Nam; hoặc tàu biển nước ngoài khi hoạt động tại vùng nước cảng biển, vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam; vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong trường hợp tai nạn đó có liên quan đến tàu thuyền Việt Nam, các công trình, thiết bị ngoài khơi của Việt Nam hoặc gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các quy định của Thông tư này cũng được áp dụng để điều tra tai nạn xảy ra đối với tàu công vụ, thủy phi cơ trong các vùng nước cảng biển Việt Nam; phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB, kho chứa nổi, giàn di động trong các vùng nước cảng biển Việt Nam và trên vùng biển Việt Nam.
Thuyền trưởng/ chủ tàu/ người quản lý tàu/ người khai thác tàu
Trách nhiệm của Thuyền trưởng/ chủ tàu/ người quản lý tàu/ người khai thác tàu và các tổ chức/cá nhân liên quan tới tai nạn hàng hải: Báo cáo tai nạn hàng hải cho Cảng vụ Hàng hải (hoặc Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Bộ Giao thông vận tải) nhanh chóng, chính xác theo quy định tại Thông tư này. Bên cạnh đó, Thuyền trưởng của tàu biển có trách nhiệm tổ chức cứu nạn nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.
Ngoài ra, Thuyền trưởng, thuyền viên của tàu biển có trách nhiệm tổ chức bảo vệ hiện trường tai nạn và thiết bị ghi dữ liệu hành trình tại thời điểm xảy ra tai nạn hàng hải và cung cấp các chứng cứ liên quan đến tai nạn hàng hải cho Cơ quan điều tra. Thuyền trưởng, thuyền viên của tàu biển và các tổ chức/cá nhân liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và kịp thời cho Cơ quan điều tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin cung cấp.
Đối với tai nạn hàng hải gây tổn thất về thân thể thuyền viên thì Thuyền trưởng/ chủ tàu/ người sử dụng lao động (ngoài nghĩa vụ báo cáo theo quy định của Thông tư này) phải thực hiện việc khai báo tai nạn lao động hàng hải theo quy định pháp luật.
Báo cáo khẩn
Một số trường hợp phải thực hiện Báo cáo khẩn, đó là tai nạn hàng hải gây ô nhiễm môi trường hoặc tổn hại đến nguồn lợi thủy sản.
Trường hợp tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam khi hoạt động trong vùng biển của quốc gia khác, Thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển hoặc chủ tàu phải báo cáo theo yêu cầu của quốc gia ven biển nơi tàu bị tai nạn và gửi ngay Báo cáo khẩn cho Cục Hàng hải Việt Nam. Nếu tai nạn thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, Thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển hoặc chủ tàu phải báo cáo cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại quốc gia ven biển nơi tàu bị tai nạn biết để hỗ trợ giải quyết.
Trường hợp tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam khi hoạt động ở vùng biển quốc tế, Thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển hoặc chủ tàu phải gửi ngay Báo cáo khẩn cho Cục Hàng hải Việt Nam. Báo cáo khẩn có thể được chuyển trực tiếp hoặc gửi bằng các phương thức thông tin liên lạc phù hợp.
Báo cáo chi tiết
Tiếp theo Báo cáo khẩn, Thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển phải gửi Báo cáo chi tiết theo thời hạn quy định. Theo đó, có 03 trường hợp phải thực hiện Báo cáo chi tiết: (1) Trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và vùng nội thủy của Việt Nam; (2) Trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; (3) Trường hợp tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam khi hoạt động ở vùng biển quốc tế và vùng biển của quốc gia khác.
Báo cáo định kỳ
Định kỳ sáu tháng và hàng năm, Cảng vụ Hàng hải/ Cục Hàng hải Việt Nam phải lập báo cáo bằng văn bản về các tai nạn hàng hải theo quy định. Thông tư 01/2020/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2020.
Bãi bỏ Thông tư số Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải và Thông tư số 39/2017/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.