Nuôi cá biển trong lồng tại Cát Bà (Ảnh:Tepbac.com)
Theo quyết định này, định hướng phát triển nuôi cá biển bao gồm nuôi trên lồng bè đơn giản, đầu tư thấp, phân tán trong các eo vịnh cửa sông ven biển, nuôi trên lồng bè tập trung quy mô công nghiệp ở các vùng vịnh bán kính xa bờ một số tỉnh trọng điểm như Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang và nuôi trong ao đất nước mặn, nước lợ.
Mục tiêu cụ thể của quy hoạch là nuôi cá biển trong ao nước mặn, nước lợ, ao nuôi tôm chuyển đổi hoặc luân canh đến năm 2015 đạt 61.000 tấn, đến năm 2020 đạt 98.000 tấn; nuôi cá biển trong hệ thống lồng nhỏ đạt 44.000 tấn vào năm 2015 và 51.000 tấn vào năm 2020; nuôi công nghiệp tập trung đạt 55.000 tấn (năm 2015) và 111.000 tấn (năm 2020).
Tổng sản lượng cá biển nuôi năm 2015 đạt 160.000 tấn, giá trị tương đương 1,04 tỷ USD và năm 2020 đạt 200-260.000 tấn, tương đương 1,8 tỷ USD.
Theo quy hoạch, ngành sẽ phát triển nuôi đa loài, ưu tiên một số loài có giá trị cao, sản lượng lớn, có thể chế biến xuất khẩu như cá giò, cá tráp, cá hồng Mỹ, cá hồng bạc... kết hợp nuôi cá biển với phát triển nuôi tổng hợp đa đối tượng trên cùng một khu vực như nhuyễn thể (vẹm xanh, ốc hương, hàu biển...), rong biển (rong câu, rong sụn...) để phát huy hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và bền vững với môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh.
Diện tích đặt lồng bè nuôi cá biển không vượt quá 10% diện tích có thể nuôi. Các khu vực nuôi bao gồm các cụm lồng bè riêng biệt, diện tích mỗi cụm không quá 1ha lồng bè, các cụm cách nhau từ 500-1.000m. Các đối tượng khác được nuôi xen kẽ với tỷ lệ xác định theo mô hình nuôi tổng hợp.
Bên cạnh đó, ngành sẽ phát triển nuôi cá biển trên tất cả các khu vực được quy hoạch, từng bước nâng dần mật độ lồng bè, năng suất và sản lượng của từng khu vực khi đã đáp ứng được yêu cầu về con giống, thức ăn và nhu cầu thị trường.