Khai thác giá trị gia tăng từ cá tra
Đánh giá cao lợi thế nuôi cá tra của An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã quy hoạch đến năm 2020, diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh đạt 1.430 héc-ta. Những vùng được ưu tiên phát triển nghề nuôi cá tra là nơi có nguồn nước tốt được cung cấp từ sông Hậu và một phần của sông Tiền. Theo đó, diện tích nuôi cá tra sẽ tập trung ở các vùng như: Vùng cồn xã Vĩnh Hòa (TX. Tân Châu), vùng phía Nam kênh Hòa Bình (dọc theo sông Hậu) và vùng phía Bắc kênh Hòa Bình (xã Hòa Lạc, Phú Tân), vùng Bắc kênh Vịnh Tre (từ giữa kênh 4 cũ kéo dài đến phía Đông kênh 2) và Nam kênh Cần Thảo - Tây kênh 3 (xã Mỹ Phú, Châu Phú); vùng dự án nuôi trồng thủy sản phía Tây đường tránh Long Xuyên - phía Bắc kênh Đòn Dong (phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên).
Theo Chi cục Thủy sản An Giang, để nâng cao chất lượng cá tra thương phẩm, tỉnh sẽ đầu tư mạnh vào con giống. Thời gian tới, Trung tâm Giống thủy sản An Giang, các cơ sở sản xuất giống cùng các đơn vị chuyên môn sẽ thực hiện thay thế dần đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh bằng cá tra cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng, tăng nhanh thể trọng cá, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm giá thành và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR). Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào quy trình ương nhằm nâng cao tỷ lệ sống của cá tra giống.
Đối với nuôi cá tra giống và cá tra thương phẩm, các tổ chức, cá nhân được khuyến khích ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý nước thải, giảm ô nhiễm môi trường. Đối với các doanh nghiệp thủy sản, sẽ đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ cá tra, các phụ phẩm từ sản xuất cá tra, như: Đầu, xương, da, nội tạng, mỡ có thể dùng để chiết xuất Collagen, dầu ăn, thực phẩm chức năng và thực hiện đổi mới công nghệ chế biến theo yêu cầu của thị trường. Để ngành cá tra phát triển bền vững, Sở NN&PTNT An Giang đang xây dựng Đề án phát triển vùng sản xuất chuyên canh cá tra gắn với thị trường tiêu thụ.
Truy xuất nguồn gốc tôm càng xanh
Cùng với cá tra, tôm càng xanh cũng là một lợi thế lớn của An Giang, từng giúp nhiều nông dân vươn lên làm giàu. Theo Sở NN&PTNT An Giang, khi phát triển được nguồn con giống tốt, ổn định, đồng thời xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững gắn với hợp tác xã kiểu mới, An Giang hoàn toàn có thể hình thành được những cánh đồng mẫu trị giá đến nửa tỷ đồng/héc-ta, giá trị cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Để khai thác hiệu quả loài vật nuôi có giá trị cao này, An Giang quy hoạch đến năm 2020, diện tích nuôi tôm càng xanh sẽ phát triển lên 1.000 héc-ta, tập trung ở các huyện: Thoại Sơn, An Phú, Châu Phú, Châu Thành và Phú Tân. Sở NN&PTNT sẽ phối hợp các đơn vị chuyên môn xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tôm càng xanh của tỉnh An Giang theo các tiêu chí quy định về nguồn gốc tôm càng xanh bố mẹ, quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm theo các tiêu chuẩn chất lượng, chế biến phù hợp với quy chuẩn Việt Nam. Song song đó, tỉnh phối hợp các viện, trường, doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng giống tôm càng xanh, tiếp nhận đàn cái giả từ Israel để sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực. Đồng thời, thực hiện dự án xã hội hóa sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất tôm giống để đáp ứng đủ nhu cầu nuôi thương phẩm.
Bên cạnh nâng cao chất lượng, vấn đề tiêu thụ cũng không kém phần quan trọng. An Giang sẽ phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết dọc, trong đó vai trò của Nhà nước là hỗ trợ, kết nối, trợ giúp doanh nghiệp trong việc liên kết, hợp tác cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro của các bên tham gia chuỗi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản để chủ động cung cấp thức ăn trong chuỗi liên kết - tiêu thụ, giảm chi phí vận chuyển, chi phí trung gian. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.