Danh sách 10 Dự án xuất sắc nhất đã đạt giải
2 giải Nhì:
- Ông Võ Văn Sơn, thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận với dự án nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao
- Ông Võ Quan Huy, ấp Hòa Thuận 2, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa – Long An với dự án trồng chuối công nghệ cao
3 giải Ba:
- Ông Lương Văn Nghĩa, ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu với dự án xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) siêu thâm canh hai giai đoạn trong hồ khung sắt tròn lót bạt HDPE tuần hoàn nước áp dụng công nghệ biofloc.
- Bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), 22 Nguyễn Đình Chi, P.9, Q.6, Tp. Hồ Chí Minh với dự án xử lý trứng công nghệ cao.
- Ông Nguyễn Tám, số 381, quốc lộ 28, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận với dự án thực hiện về mật độ và áp dụng tưới tiết kiệm nước ướt khô xen kẽ (nông lộ phơi) trong sản xuất lúa.
5 giải Khuyến khích:
- Nhóm tác giả Nguyễn Duy Hải Linh, Trần Phúc Quỳnh, Nguyễn Duy Tuấn, Hà Nội với dự án ứng dụng trồng rau thông minh – Egarden.
- Ông Cao Phát Triển, quận Ô Môn, Cần Thơ với dự án Thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động điều khiển từ xa bằng điện thoại di động.
- Ông Nguyễn Phước Việt Cường, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp với Dự án Mô hình trồng rau ăn lá bằng công nghệ thủy canh.
- Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Tp. Đà lạt, Lâm Đồng với dự án Sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
- Ông Nguyễn Văn Tính, Nha Trang, Khánh Hòa với dự án sử dụng mắt lưới hình vuông ở đụt lưới (nghề giã cào đôi) nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Cách nuôi tôm cho thu nhập tiền tỷ
Dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ cao” của anh Võ Văn Sơn ở thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh (Thuận Nam) đoạt giải Nhì tại cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”
Nhờ cách làm khác người đã giúp cho ông Võ Văn Sơn, thôn Sơn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận có thu nhập tiền tỷ, tuy nhiên ông không giữ bí quyết cho riêng mình mà bày cho bà con để cùng nhau nuôi tôm trên cát, đổi đời làm giàu.
Ông Sơn cho rằng, người dân trước kia thường nuôi tôm theo cách truyền thống chỉ nuôi khoảng 2 – 2,5 tháng thì tiến hành cho thu hoạch. Cách làm này đã bộc lộ nhiều hạn chế, sản lượng chỉ đạt 100 con/kg, từ đó dẫn đến thu nhập của người dân không cao. Với ông Sơn, ông áp dụng nuôi kéo dài thời gian hơn 3 tháng mới cho thu hoạch, sản lượng đạt từ 50 – 60 con/kg. Để làm được điều này, khâu quan trọng nhất phải xử lý được môi trường trong ao sạch sẽ, không bị ô nhiễm. Bước đi bền vững này đã giúp cho ông thành công từ nhiều năm qua. Ngay sau khi có được hiệu quả, hàng chục hộ dân ở địa phương, các hộ nơi khác đỗ về học tập kỹ thuật và hiệu quả mang lại tương tự. Mỗi năm, gia đình ông Sơn có thể thu về trên 21 tỷ đồng. Đây là con số tuyệt vời, là niềm mơ ước của nhiều nông dân trong cả nước. So với các hộ nuôi trồng thủy sản khác, ông cho thu nhập khá vượt trội và cũng là người tiên phong trong các ứng dụng các khoa học vào sản xuất tôm.
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong bể nổi
Ông Long Văn Nghĩa, ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu đoạt giải Ba tại cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”
Đây là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao 3 giai đoạn trong bể nổi (làm bằng khung sắt tròn, phủ bạt) và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước.
4 bể nổi (mỗi bể 500m2) và hệ thống xử lý nước thải theo quy trình Biofloc để nuôi tôm siêu thâm canh. Quy trình nuôi đang được áp dụng tại khu nuôi của anh Nghĩa là nuôi 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Ương tôm post 12 khoảng 30 ngày trên hồ khung sắt tròn 100m3, với mật độ 3.000 con/m3. Giai đoạn 2, đoạn nuôi thương phẩm: Nuôi tôm từ giai đoạn 30-100 ngày tuổi trên hồ nuôi 500m3 với mật độ 300 con/m2. Sau 100 ngày tuổi, tôm đạt trọng lượng trung bình 30 con/kg tiến hành thu tôm thương phẩm.
Để ứng dụng quy trình nuôi tôm trong bể nổi, người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình xử lý nguồn nước đầu vào qua ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng, cuối cùng mới đến ao nuôi. Chọn con giống sạch bệnh, chất lượng, ươm trong bể từ 20 - 30 ngày cho đạt kích cỡ đồng đều thì mới thả ra ao nuôi. Trong quá trình nuôi, chất thải rắn từ ao phải được lắng lọc kỹ, thu gom thường xuyên. Nước thải trong mô hình sau khi xiphon được bơm lên hồ tách chất thải rắn, phần vỏ tôm, xác tôm chết và thức ăn thừa được lọc qua túi lưới phục vụ cho chăn nuôi chăn nuôi; phần lọt qua lưới lọc là phân tôm và xác tảo được tách hết nước mặn, sau đó dùng nước ngọt pha loãng có thể bơm để sử dụng cho các mục đích (bón cho cây trồng và làm biogas…).