Tại hội nghị, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Cục QLCLNLS&TS) đã trình bày Đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất theo Quyết định số 2419/QĐ-TTg ngày 13/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; với mục tiêu ngăn chặn triệt để hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên phạm vi cả nước. Mục tiêu cụ thể, đến hết năm 2016, có 4 tỉnh (Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang) tổ chức ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm và không sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất. Đến hết năm 2017 có 100% cơ sở nuôi tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không mua tôm có tạp chất. Đến năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm và trên phạm vi cả nước.
Theo báo cáo của tỉnh Cà Mau, trong năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành 64 đợt kiểm tra, phát hiện 57 vụ sai phạm, với số lượng gần 12 tấn tôm có chứa tạp chất. Tổng số tiền xử phạt hành chính trên 1,7 tỷ đồng. Tại Bạc Liêu, thống kê trong vòng 3 năm qua, ngành chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra 100 lượt, phát hiện tới 44 trường hợp sai phạm, với số lượng tôm có chứa tạp chất hơn 6,9 tấn, xử phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Một số tỉnh khác cũng phát hiện và xử phạt, tuy nhiên tình hình diễn biến bơm tiêm tạp chất vẫn phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2018, cơ bản không còn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm; đồng thời, đề nghị các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Quyết định của Trung ương về vấn đề trên. Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục QLCLNLS&TS lập kế hoạch làm việc với Bộ Công an và địa phương trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; lãnh đạo đứng đầu từ trưởng thôn/ấp, chủ tịch UBND xã, chủ tịch UBND huyện, tỉnh phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra hiện tượng bơm tiêm tạp chất vào tôm.
Đối với Sở nông nghiệp và PTNT các tỉnh, Thứ trưởng chỉ đạo cần tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Quyết định 2419/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 9294/KH-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đồng thời lập danh sách các doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ tôm trong tỉnh và phối hợp với công an, quản lý thị trường thanh tra đột xuất.
Đối với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cần xác định nhiệm vụ “ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có tạp chất” là một trong các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương.
Đối với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần phối hợp tốt với Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm thực hiện thành công Quyết định 2419/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.