Sau khi xử lý ao tôm bị bênh, anh Nguyễn Nhật Trân ở vùng nuôi tôm công nghiệp xã Quỳnh Bảng đã thả tôm giống
Quỳnh Bảng là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn ở huyện Quỳnh Lưu, toàn xã có hơn 183ha, trong đó HTX Lộc Thủy là 79,5 ha và 104,4ha của UBND xã. Để bước vào nuôi tôm vụ 1 đạt hiệu quả cao, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cho các hộ nuôi trên địa bàn cần xử lý nguồn nước, con giống phải đảm bảo chất lượng và khuyến cáo các hộ thả nuôi nên thả theo đúng lịch đề ra của huyện là từ ngày 1/3 đến 30/6.
Đến thời điểm này, toàn xã có 160ha đã thả nuôi, với mật độ thả từ 70 đến 100 con/1m2. Do thời tiết có nhiều diễn biến thất thường nên trên địa bàn đã có 10ha tôm bị bệnh, tuy nhiên diện tích tôm bị bệnh chủ yếu ở những ao thả trước lịch của huyện. Trước tình hình dịch bệnh của tôm trên địa bàn, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh. Hướng dẫn cho các hộ nuôi thực hiện các biện pháp xử lý theo quy trình như dùng vôi bột, Chlorine để tránh lây lan sang những ao nuôi khác. Anh
Hoàng Quang Dũng – Cán bộ địa chính nông nghiệp xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Những hộ mà thả ngoài thời gian mình quy định thì những hộ đó xảy ra dịch, UBND xã cũng báo cáo với huyện để kiểm tra mẫu theo quy định. UB xã cũng xây dựng kế hoạch để triển khai các phương án phòng chống dịch và xin hỡ trợ của huyện Chlorine và vôi để xử lý các kênh cấp, thoát, các trục kênh chính; chỉ đạo cho các hộ nuôi chủ động mua vôi và chlorine để xử lý ao đầm, các kên tiêu thoát, đảm bảo không lây lan sang diện tích khác.”
Nhiều ao nuôi tôm bị bệnh và đang xử lý, phơi ao để chuẩn bị thả nuôi
Sau khi một số địa phương báo cáo tình hình tôm bị chết, cán bộ Thú y huyện đã xuống lấy mẫu bệnh phẩm để đưa đi xét nghiệm, trong đó đưa 17 mẫu đi xét nghiệm thì chủ yếu là dương tính với bệnh đốm trắng và chỉ có 2 mẫu dương tính với bệnh gan tụy. Theo thống kê, tôm bị bệnh thả theo lịch của huyện có gần 10ha ở các xã như Quỳnh Thuận; Quỳnh Lương; Quỳnh Bảng và Quỳnh Thanh. Trước tình hình đó, UBND huyện đã gửi Công điện về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm đến các địa phương nuôi tôm đó là: thông tin hình hình dịch bệnh đến các hộ nuôi được biết; triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, dập dịch đến hộ nuôi tôm có ao nuôi bị bệnh; lập hồ sơ theo dõi tình hình chặt chẽ về thả nuôi, nguồn gốc giống, ngày thả nuôi,.. để có biện pháp hỗ trợ, xử lý theo quy định. Ông Nguyễn Văn Trung – PCT UBND xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu cho biết:“Trước mắt là giao cho thú y hướng dẫn lấy thuốc để xử lý chứ không được bơm xả cái nước đó ra khi chưa xử lý; dọn lại theo quy trình nuôi trồng rồi tiến hành nuôi.”
Cùng với những biệp pháp phòng chống dịch của các địa phương, huyện Quỳnh Lưu đã cấp 1 tấn Chlorine cho các hộ có tôm bị bệnh và đang tiếp tục làm tờ trình xin hỗ trợ của Chi cục chăn nuôi thú y với số lượng tương đương với diện tích tôm bị bệnh là 2 tấn Cholorine. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến cáo các hộ nuôi không nên thả tôm trước lịch thời vụ, thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, nhằm giảm thiểu tình trạng tôm bị bệnh, gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi.