Bên cạnh các thành tích xuất khẩu và cung ứng hàng hóa nội địa, vấn đề rác thải nhựa của ngành thủy sản đang là vấn đề đáng quan tâm, xử lý. Hiện nay nhiều địa phương đang than khó trong khâu xử lý rác thải từ ngành thủy sản.
Quảng Ninh
Quảng Ninh có khoảng 10 triệu phao xốp làm vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản, sau 2-3 năm hỏng, bị vứt xuống biển vì không có tiền và cơ chế để xử lý.
Diễn đàn Quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới phát triển thủy sản bền vững do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức vào cuối tháng 12 năm 2021, ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Thủy sản Quảng Ninh- cho biết khoảng 10 triệu phao xốp (với uổi thọ chỉ 2-3 năm) được sử dụng cho gần 5.500 ha mặt nước với trên 2.500 hộ nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Từ phao xốp cho đến lưới đánh cá,... chúng tồn tại lên đến vài chục năm trong nước biển. Ảnh VOV live
"Trong quá trình sử dụng, nếu phao xốp bị hỏng người dân vứt bỏ xuống biển, hoặc quá trình sử dụng gặp bão gió dễ bị hỏng, tuột khỏi bè nuôi, trôi nổi trên mặt biển gây ảnh hưởng đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường", ông Minh nói và cho biết mỗi năm Quảng Ninh phải chi hàng chục tỷ để thu gom rác thải.
Bên cạnh đó, việc xử lý rác thải nhựa đại dương gặp khó khăn, đặc biệt là chính sách liên quan đến vật liệu nổi chưa được áp dụng vào thực tiễn do phải xây dựng dự án liên kết theo chuỗi, khó triển khai. Đa phần dự án đều từ vốn phi chính phủ, khi kết thúc thì khó duy trì.
Phú Yên
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết tỉnh có hơn 4.100 tàu khai thác, gần 7.000 hộ nuôi trồng thủy sản nên lượng rác thải xả ra biển là rất lớn. Riêng vịnh Xuân Đài mỗi ngày có 7,5-11,5 tấn rác từ các nguồn thủy sản, sinh hoạt. Đa phần rác thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa được thu gom, tái chế.
Lý giải tồn tại trên, đại diện Phú Yên cho rằng hiện chưa có quy định thu gom, xử lý rác thải từ các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản, thậm chí chưa điều tra hiện trạng sử dụng, phát thải túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần trên các tàu cá, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cảng cá. "Một phần do chính quyền chưa quan tâm đúng mức, thiếu nhân lực và kinh phí thu gom rác thải nhựa từ ngành thủy sản", lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên nói.
Mỗi ngày, có vô số rác thải nhựa trôi dạt vào bờ. Ảnh Vovlive
Kiên Giang
Triển khai việc thu gom rác thải nhựa đại được khoảng 10 năm nay, Kiên Giang cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Quảng Trọng Thao, Phó giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang nhận định vấn đề lớn nhất là kinh phí vì hầu hết dự án ở Kiên Giang do các tổ chức phi chính phủ tài trợ, ngân sách thì eo hẹp.
Ông Thao đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hướng dẫn để sử dụng khoản 2% kinh phí bảo vệ môi trường từ ngân sách của tỉnh.
Đồng tình với các quan điểm trên, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Thủy sản, cho biết nếu không có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ thì đến nay việc thu hồi rác thải nhựa đại dương liên quan đến ngành thủy sản hầu như chưa triển khai. "Việc bố trí vốn ngay ở Tổng cục cũng gặp khó khăn chứ chưa nói đến địa phương. Tôi rất mong các đơn vị nắm tài chính của Nhà nước cũng như các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ cho hoạt động thu gom rác", theo lời ông Luân.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia UNDP tại Việt Nam, cho rằng để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương liên quan đến ngành thủy sản cần sự vào cuộc của nhiều ngành chứ không thể chỉ dựa vào nguồn kinh phí của các tổ chức phi chính phủ. Các chương trình của Chính phủ cần lồng ghép với việc huy động nguồn lực của UNDP, các tổ chức phi chính phủ khác.
"Khi triển khai cần huy động cả khu vực tư nhân, các trường đại học, phụ nữ, thanh niên, ngư dân hay chính khách du lịch trong việc thu gom rác thải nhựa đại dương", bà Huyền nói thêm.
UNDP cho biết mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, đứng thứ 4 thế giới. Rác thải nhựa gây tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển, dự tính đến 2050 khoảng 99% loài chim biển sẽ ăn phải nhựa.