Cùng với cá thể rùa Trung Bộ, loài rùa quý nước ta - rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) vừa được các quốc gia thành viên thuộc Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã (CITES) thông qua kiến nghị tăng cường mức độ bảo vệ trước nguy cơ tuyệt chủng.
Theo đó, mức độ bảo vệ của 12 loài rùa tìm thấy tại Việt Nam đã được nâng lên, trong đó có hai loài rùa đặc hữu của nước ta, không xuất hiện tại bất kỳ vùng nào trên thế giới, là loài rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) và rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei).
Thay vì nằm tại Phụ lục II như trước đây, loài rùa đầu to (Platysternon megacephalum) cũng đã được chuyển lên Phụ lục I, đưa loài này vào danh sách các loài có mức độ bảo vệ cao nhất. Quy định về việc ngừng hạn ngạch trao đổi vì mục đích thương mại cũng đã được bổ sung vào biên bản của năm loài rùa hiện đang nằm trong Phụ lục II. Sáu loài còn lại được đưa vào Phụ lục II, trong số đó, có năm loài trước đây chưa được bảo vệ dưới bất kỳ hình thức nào chiểu theo các điều khoản của Công ước CITES
Tại cuộc họp với CITES vào trung tuần tháng 3, Việt Nam đồng thời kiến nghị đưa loài rùa hộp trán vàng và loài rùa Trung Bộ vào danh sách đánh giá định kỳ của CITES nhằm nhanh chóng ưu tiên đưa hai loài này có mặt trong danh mục Phụ lục I. Hoạt động thương mại không bền vững là nguyên nhân chính khiến cho rùa cạn và rùa nước ngọt Việt Nam phải đối mặt với việc bị biến thành thực phẩm, vật nuôi, cũng như các bài thuốc trong y học cổ truyền. Có thể thấy, việc cải thiện danh sách CITES là bước tiến rất quan trọng giúp thắt chặt công tác quản lý các hoạt động buôn bán này.
Trước đó, nhằm nỗ lực đảm bảo tương lai của rùa cạn và rùa nước ngọt, các nước Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã soạn thảo Bản kiến nghị về các loài rùa Châu Á về tăng cường mức độ bảo vệ 44 loài rùa nước ngọt Châu Á trình CITES xem xét.