Làng chài xã Nhơn Hải ở TP Quy Nhơn là một điểm đến hút khách với nước biển xanh trong, những ghềnh đá đẹp và san hô đầy màu sắc. Đặc biệt tháng 5 đến tháng 7 Dương lịch là mùa nước cạn, những rặng rong mơ nổi sát mặt nước.
Vẻ đẹp của thiên nhiên và nhịp sống lao động thu hút nhiều nhiếp ảnh gia, du khách tới Nhơn Hải. Từ làng chài Nhơn Hải, du khách có thể đăng ký tour đi thuyền lên Hòn Khô ngắm rong, lặn ngắm san hô... Dịch vụ được cung cấp bởi Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch - Thủy sản Nhơn Hải.
Tác giả Nguyễn Cường, quê Bình Định, hiện sống ở TP HCM, có chuyến "săn" ảnh rong mơ đầu tháng 6. Anh cho biết địa điểm chụp là ở bán đảo Hải Giang, dễ dàng kết hợp du lịch Kỳ Co Eo Gió...
"Từ trên cao sắc vàng úa của rong biển hoà với sắc xanh của màu nước tựa như một khu rừng lá vàng dưới biển. Chúng càng mềm mại, sinh động khi kết hợp với sắc xanh của lưới vây ngư dân. Tôi tự hào khi được chia sẻ hình ảnh đẹp của quê hương", anh Cường nói.
Một chiếc thuyền thúng như đang di chuyển trên những ngọn cây rong. Vào mùa, khung cảnh này trải dài trên mặt biển làng chài Nhơn Hải tới gành Trên ở thôn Hải Bắc, đến đảo Hòn Khô ở thôn Hải Đông và gành Dưới, ở thôn Hải Nam.
Rong mơ có tên khoa học là Sargassum, sống bám vào những rạn san hô, đá ngầm. Chúng có chiều dài tới khoảng 1,2 m. Rong sau khi thu hoạch có thể ứng dụng trong y học, điều chế thuốc.
Để thu hoạch rong, ngư dân phải khởi hành từ khi tờ mờ sáng. Họ đi thuyền máy hoặc chèo thuyền thúng cả tiếng để tới vị trí rong. Sau khi thủy triều xuống, người dân sẽ lặn hái. Họ có thể ngâm mình cả tiếng trong nước, rồi lên thúng nghỉ ngơi. Tuy nhiên vào thời điểm này rong đã dài hơn và nước cạn, ngư dân có thể ngồi thuyền vớt.
Nghề hái rong mơ được cho là xuất hiện ở vùng biển Nhơn Hải từ năm 2008, khi các thương lái tới đây thu mua. Mỗi năm, người dân thu hoạch được cả trăm tấn rong, phơi khô rồi bán lại cho thương lái. Đây là công việc thời vụ song mang lại thu nhất tốt cho ngư dân. Kết hợp với mùa rong, người dân cũng nuôi mực lá.
Rong mơ cũng đóng vai trò tạo nên môi trường sống, sinh sản của các loài cá, rùa (trên ảnh). Vì vậy người dân địa phương đều chọn cọng già để thu hoạch, chừa lại gốc để rong phát triển.
Ảnh: Nguyễn Cường