Trên bờ, cây trái oằn sai, dưới sông cá tôm hội tụ. Cá bông lau còn có tên “cá quý tộc”- cái tên mỹ miều mà người dân đặt cho- sinh sôi nảy nở trên vùng đất này. “Đặc ân” miền sông nước
Theo chân đoàn săn cá bông lau cù lao miệt vườn Tân Qui chúng tôi cảm nhận được cái thú vui và nỗi nhọc nhằn của nghề săn cá. Anh Đào Văn Thống (ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân) tham gia đội ngũ săn cá bông lau được 6 năm, hồ hởi kể: Khi gió chướng từ biển Đông thổi mạnh, nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long tràn về, là lúc cá bông lau xuôi theo dòng nước di cư về hạ lưu, lần ra cửa biển.
Cụ thể khoảng tháng Chạp năm trước đến rằm tháng 2 năm sau, nước mặn từ biển tiến sâu vào sông Hậu là lúc cá bông lau tập trung khu vực giáp nước. Cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân) và cù lao An Lộc (xã Hòa Tân- Cầu Kè) nối đuôi nhau chạy dài hơn 10km, rồi đến đuôi cù lao Mây (tỉnh Vĩnh Long) và phía đất liền bên kia cù lao Mây thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng là nơi giao thoa giữa dòng nước mặn từ biển đưa vào và dòng nước ngọt từ thượng nguồn đổ xuống, nên cá bông lau tụ hội về đây.
Chỉ tay về phía cuối dòng sông, đoạn giữa cù lao Tân Qui và cù lao Mây, anh Thống nhẩm tính, hiện có khoảng 150 tay lưới thay phiên nhau thả trôi theo dòng nước để chờ săn cá. Trên dải cù lao Tân Qui dài gần 10km, diện tích khoảng 500ha, là miệt vườn cây trái nổi tiếng của huyện Cầu Kè có khoảng 100 người làm thêm nghề săn cá bông lau.
Có thâm niên 7 năm săn cá bông lau, anh Nguyễn Văn Tuấn khoe, từ đầu vụ đến giờ, anh đã bắt được 10 con cá bông lau, bình quân mỗi con nặng hơn 5kg, giá bán tại chợ từ 70 ngàn đến 130 ngàn đồng/kg (tùy trọng lượng con cá). Tết này thu nhập từ săn cá bông lau, anh đủ tiền sắm quần áo mới, tập vở cho các con.
Nghề làm chơi ăn thiệt!
Mặt trời xuống dần, cả khúc sông trầm mặc, tối sầm lại, cái lạnh về đêm bắt đầu ập tới. Xa xa từ các dải cồn, hàng chục chiếc xuồng máy băng ra giữa dòng sông Hậu, nơi được cho là có đàn cá bông lau hội tụ nhiều để thả lưới. Không quen với cảnh sông nước cộng với cái lạnh buốt da, cánh phóng viên chúng tôi co cụm lại.
Rít hơi thuốc dài, anh Nguyễn Văn Khi (ấp An Lộc, xã Hòa Tân)- một thành viên trong tổ săn cá, nói: “Các anh biết không, theo kinh nghiệm của người dân ở đây, đánh lưới vào lúc trời vừa sụp tối và hừng sáng thường bắt được nhiều cá hơn”. “Để bắt được nhiều cá, phải sắm bao nhiêu mét lưới hả anh? Chi phí đầu tư cho nghề có nhiều không?”- tôi hỏi.
Uống ngụm nước trà đặc để chống lại cái lạnh về đêm, anh Khi cười tươi kể: Thông thường mỗi tay lưới có chiều dài từ 300- 500m (tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe). Lưới dùng để đánh bắt cá bông lau có mắc lưới từ 15- 20cm. Một tay lưới có giá khoảng 5- 6 triệu đồng.
Một mùa săn cá bông lau khoảng 2 tháng, thu nhập được từ 10- 15 triệu đồng, sống khỏe ru. Rồi không giấu nghề, anh Khi khoe: “Mùa cá bông lau năm trước anh bắt được hơn 200kg cá. Với giá bình quân khoảng 70- 90 ngàn đồng/kg, anh thu nhập hơn chục triệu đồng.
Tiếp lời anh Khi, anh Đoàn Văn Sáu (ấp Tân Qui 1) dù mới theo nghề được 4 năm, tự tin khẳng định: “Mấy tay “sát cá” một đêm thả lưới cũng bắt được 4- 5 con; không uổng phí đầu tư tay lưới 6 triệu đồng.
Tuy là nghề phụ nhưng làm chơi mà ăn thiệt đó mấy anh ơi”. “Cá đâm lưới rồi”- miệng nói, tay anh kéo vội lưới từ sông lên. 2 con cá bông lau mỗi con khoảng 6kg giãy giụa mà theo anh bán chợ được cả triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh- Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, ngoài làm vườn hiện nay có khoảng 100 hộ tham gia đánh bắt cá bông lau trên đoạn sông này. Tuy không là nghề chính nhưng nhờ nghề săn cá quý tộc này, đã có nhiều hộ tích cóp cất lại nhà mới, mua được xe máy, ti vi, tủ lạnh,…
Cá bông lau thịt ngon hơn cá tra, cá ba sa. Nhu cầu tiêu thụ cá bông lau trên thị trường rất lớn nhưng lượng cung cấp không đủ. Do đó hiện nghề săn “cá quý tộc” đang thu hút người dân cù lao này.
Cá bông lau có tên khoa học Pangasius krempfi, là một loài cá thuộc chi cá tra (Pangasius). Loài cá này chủ yếu sống ở lưu vực sông Mekong. Thức ăn của loài cá này là trái cây, tảo và động vật giáp xác. Môi trường sống chủ yếu ở nước lợ.
Đây là loài di trú, có một thời gian sống ở các vùng nước ven biển (đây là đặc tính chỉ có duy nhất ở loài này trong họ cá tra) và một thời gian di cư vào sông (chỉ ở sông Mekong mà không là các sông khác) để sinh sản. Cá bông lau có kích thước lớn (khoảng 15kg), tăng trưởng nhanh.