Năm nào cũng vậy, bắt đầu tháng chạp đến tháng 3 âm lịch, là xứ cồn An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh sôi động với mùa săn cá bông lau trên sông Hậu. Đây là mùa dễ kiếm thu nhập nhất của người dân địa phương.
Đúng hẹn, chúng tôi đến với cù lao An Lộc nằm lọt thỏm giữa sông Hậu mênh mông nước. Bước lên khỏi chiếc phà nhỏ, đi trên đường xuyên vườn cây ăn trái sum suê, trĩu quả chừng 500m thì đến bến tập kết xuồng săn cá bông lau và trên bờ đã đông đủ ngư phủ, quây quần bên bàn nước để chuẩn bị xuất phát.
Đúng 15h, mỗi người một cây dầm, một chiếc kiềm, can đựng xăng lần lượt bước xuồng tam bản, rồi nổ máy hướng về thẳng ra sông Hậu mênh mông nước.
Chú Ong Văn Gấm, người có thâm niên săn cá bông lau lâu năm nhất trong nhóm vừa cho xuồng ra đến giữa dòng, rồi để xuồng trôi bồng bềnh, nhẹ nhàng thả tay lưới được đan bằng sợi ni – lon, dài 500m.
Theo chú Ong Văn Gấm, cá bông lau cứ tới mùa lại về, từ tháng 10 âm lịch cá bắt đầu xuất hiện, do đó bắt tháng 9 người ta bắt đầu chuẩn bị. Tới mùa rồi ai cũng nhốn nháo. Ra chuyến nào có chuyến đó. Mà tới trúng rồi là khí thế lắm.
Tùy theo con nước, mỗi ngày người dân địa phương có thể thả lưới 2-4 lượt. Khoảng cách mỗi lưới 200 mét là để các lưới không vướng vào nhau.
Do là vùng giáp giữa ngọn nước ngọt trên thượng nguồn từ Biển Hồ đổ xuống và ngọn nước mặn từ biển dâng lên, nên đoạn sông Hậu ôm lấy xứ cồn An Lộc như một cái bùng binh để các loài thủy sản từ thượng nguồn, ngoài biển tìm về "tá túc" theo mùa.
Thông thường trong vòng 3 tháng người dân nơi đây kiếm được vài chục triệu đồng từ lộc trời này. Mỗi mùa cá người kém may mắn nhất cũng bắt được 20-30 con cá bông lau, còn bình thường thì từ 60-70 con.
Anh Nguyễn Văn Thảo, một trong những người săn được nhiều nhất từ đầu mùa đến nay nói, "Từ đầu vụ cũng được lai rai, 2 cha con cũng được hơn 40 con rồi, con 1,7 triệu, con thì 1,2 triệu. Cá sửu cũng được 7-8 con, cá đực được 250.000đ/kg, cá cái 155.000đ/kg".
Khi vào đến bờ, chúng tôi được thưởng thức những món ngon nổi tiếng của xứ cồn là cá bông lau nấu canh chua trái bần, được nghe người dân xứ cồn kể về câu chuyện làm nghề và những đổi thay no ấm của vùng đất phù sa, bốn bề sông nước này.