Nhiều bất lợi
Mỗi năm Trung tâm Nghiên cứu và nhân giống thủy sản Tứ Kỳ ở xã Quang Phục cung ứng ra thị trường hàng chục triệu con cá giống với 2 loại chủ lực là rô phi và chép. Nhưng vài năm trở lại đây, để có thể bảo đảm nguồn cung cho các hộ nuôi cá, trung tâm gặp không ít khó khăn.
Theo ông Đào Văn Thượng, Giám đốc trung tâm, cá giống rất mẫn cảm với những tác động từ môi trường sống, chỉ cần xáo trộn nhỏ cũng ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng con giống. Trước kia, nguồn nước phục vụ sản xuất cá giống được lấy trực tiếp từ sông nội đồng. Hiện tại, trung tâm vẫn lấy nước từ nguồn này nhưng tốn thêm kinh phí xử lý bằng lọc sinh học để giảm thiểu ô nhiễm. Dù vậy, kết quả thu về không mấy khả quan. Thông thường, 10 triệu cá bột sẽ ương được 3 triệu cá hương nhưng vài vụ gần đây chỉ thu được 1 triệu cá hương. Vì vậy, lượng cá giống cấp ra không ổn định và dồi dào như trước.
Có kinh nghiệm ương cá giống gần 30 năm, ông Tạ Văn Lý ở thôn Thượng Đỗ, xã Thượng Vũ (Kim Thành) khẳng định không chỉ nguồn nước mà những biến đổi của thời tiết cũng là thách thức lớn đối với các cơ sở sản xuất cá giống. Thời tiết diễn biến không theo quy luật, nhiệt độ tăng giảm thất thường làm phát sinh nhiều dịch bệnh gây hại cho cá, nhất là cá giống vì sức đề kháng yếu. Mặt khác, nếu như vật nuôi trên cạn khi bị nhiễm bệnh có thể tách đàn, cách ly để không ảnh hưởng tới cả đàn thì với cá do đặc thù sống dưới nước nên không can thiệp được nhiều. Chính vì vậy mà chữa bệnh cho cá sẽ mất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức hơn nhưng khả năng khỏi bệnh còn nhờ vào may rủi, thậm chí nếu chủ quan, lơ là sẽ bị mất trắng. “Dù nắm chắc quy trình nuôi cá giống, song thực tế sản xuất hiện nay buộc tôi phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để không bị thua lỗ vì tỷ lệ nhân giống thành công không cao như trước. Để hạn chế rủi ro, tôi chỉ ương đến giai đoạn cá bột rồi xuất bán chứ ít làm cá hương”, ông Lý cho biết.
Cần làm chủ kỹ thuật
Thủy sản là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh với diện tích ao nuôi hơn 11.000 ha và 3.576 lồng nuôi trên sông ngoài. Cùng với phát triển cá thương phẩm thì sản xuất cá giống cũng là lợi thế của nông dân trong tỉnh. Mỗi năm, các cơ sở ương cá giống lớn và uy tín trên địa bàn các huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Kim Thành và thị xã Chí Linh sản xuất khoảng 1.500 triệu con giống, đáp ứng được 70% nhu cầu giống tại chỗ cho người dân. Tuy nhiên, sản xuất cá giống hiện nay đang gặp khó trước những bất lợi từ các yếu tố khách quan. Nguồn cá giống không bảo đảm sẽ làm giảm chất lượng cá thịt, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Vừa nuôi cá thịt, vừa sản xuất cá giống nên ông Nguyễn Văn Nhẫn ở thị trấn Tứ Kỳ hiểu rõ những khó khăn mà người nuôi cá đang phải đối mặt. Vì điều kiện sống không thuận lợi như trước nên mọi công đoạn từ chuẩn bị ao nuôi cá giống đến nguồn nước đều phải khử trùng bằng hóa chất. Lượng thuốc thủy sản sử dụng để phòng bệnh cũng nhiều hơn. Vì thế khi chuyển sang ao nuôi thương phẩm, cá sẽ khó thích nghi với môi trường mới. Tỷ lệ cá nhiễm bệnh và chết sẽ cao hơn. Ông Nhẫn lo ngại: “Năm trước nắng nóng, cá rô phi chết nhiều, năm nay mưa nhiều thì người nuôi rô đồng bị thiệt hại lớn, không biết năm sau sẽ là loại nào? Nếu không nắm vững kỹ thuật thâm canh để ứng phó kịp thời trước mọi tình huống phát sinh trong quá trình chăm sóc thì người nuôi sẽ thất bại nhiều hơn thành công”.
Theo ông Nguyễn Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là trở ngại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, trong đó lĩnh vực thủy sản chịu tác động nặng nề và rõ rệt. Con giống quyết định 50% năng suất, sản lượng cá thương phẩm. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cá giống, nông dân phải làm chủ kỹ thuật sản xuất. Chỉ khi nắm rõ và áp dụng đúng kỹ thuật thì mới có thể khắc phục được những bất cập trong sản xuất. Người nuôi nên sử dụng hóa chất cải thiện môi trường sống cho cá nhưng không được lạm dụng dẫn đến lệ thuộc. Có như vậy mới có thể hạn chế được tác động của môi trường mà vẫn bảo đảm nguồn cá giống sạch với tỷ lệ sống cao.