Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nước ta đã xây dựng nhiều nhà máy sản xuất cồn sinh học để phục vụ đời sống nhân dân từ nguyên liệu là khoai mì lát và rỉ đường mía, với công suất lên đến hàng trăm triệu lít mỗi năm, đảm bảo nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, các nhà máy này vẫn đang gặp nhiều khó khăn do giá thành nguyên liệu không ổn định, trong khi sản phẩm chưa có đầu ra lớn do giá thành còn quá cao so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, lượng nước thải của các nhà máy sản xuất cồn cũng rất lớn, nhưng quy trình xử lý còn rườm rà, lạc hậu dẫn đến chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải này không hề nhỏ. Đặc biệt, số nước thải sau khi chưng cất cồn chỉ được các nhà máy đem bán làm thức ăn cho gia súc với giá thành rất rẻ.
Theo KS. Lê Thị Bích Phượng, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, lượng chất thải này vốn có giá trị dinh dưỡng rất cao, lại không bị tạp nhiễm, nên thích hợp làm nuôi cấy hỗn hợp vi sinh vật hữu ích để tạo chế phẩm sinh học giá rẻ dùng trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Nếu tận dụng được nó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Nắm được vấn đề này, KS. Lê Thị Bích Phượng và cộng sự của mình là TS. Võ Thị Hạnh đã cùng nhau thực hiện đề tài “Nghiên cứu tận dụng nước thải sau chưng cất cồn để sản xuất chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản”.
Theo đó, chất thải sau chưng cất, thay vì được xử lý thô và bán ra ngoài thị trường như trước đây, sẽ được hòa thêm các chất phụ gia (bên trong có các vi sinh vật hữu ích) và ủ 5 ngày ở nhiệt độ bình thường.
Trong 5 ngày này, lượng vi sinh vật hữu ích sẽ đẩy nhanh quá trình lên men của sản phẩm. Sau khi đạt được thành phần hóa, lý và mật độ vi sinh vật phù hợp theo nhu cầu của nhà sản xuất, sẽ cho ra đời chế phẩm sinh học với tên gọi BIO-HR.
Theo KS. Lê Thị Bích Phượng, hiện ở một số nước như Mỹ, Canada…, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất cồn được tách thành 2 phần rắn và phần lỏng. Phần rắn được gọi là bã rượu ướt (độ ẩm 40-70%), có giá trị dinh dưỡng cao, giá thành rẻ, kích thích sự thèm ăn của vật nuôi nên được sử dụng để bổ sung vào thức ăn cho động vật nhai lại.
Tuy nhiên, bã rượu ướt có thời gian sử dụng ngắn do khó bảo quản được lâu. Để giải quyết vấn đề này, người ta đã sấy khô bã rượu ướt và phối trộn với phần lỏng để cô đặc thành bã rượu khô. Sản phẩm vừa bảo quản được trong thời gian dài, vừa duy trì được chất lượng cũng như dễ dàng trong vận chuyển. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là tốn nhiều năng lượng và làm mất đi một số chất dinh dưỡng.
“Với việc áp dụng công nghệ lên men, phương pháp mới này có thể dễ dàng điều chỉnh số lượng, chủng loại vi sinh vật để cho ra đời những chế phẩm sinh học với hàm lượng dinh dưỡng theo ý muốn của nhà sản xuất. Số chế phẩm này, có thể được sử dụng để làm thức ăn cho cá, gà, heo sữa… và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao”.
Theo khảo sát, hiện nay trên thị trường có khoảng 400 sản phẩm sinh học ở dạng bột và dạng lỏng sản xuất trong nước và nhập khẩu được phép lưu hành dùng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Trong khi các chế phẩm nhập khẩu có giá thành cao, các sản phẩm trong nước giá thành lại rẻ hơn nhưng chất lượng lại không ổn định, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi.
Do đó, thành công của đề tài này không chỉ giúp người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sử dụng được hiệu quả chế phẩm sinh học giá rẻ, góp phần phát triển ngành nông nghiệp nước ta theo hướng sinh thái bền vững mà còn làm giảm chi phí xử lý nước thải, giảm lượng chất thải vào môi trường.
Bên cạnh đó, nó còn tạo ra chế phẩm sinh học mới, chất lượng cao phục vụ nông nghiệp và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm giá thành sản xuất cồn trong tình trạng giá nguyên liệu đang tăng quá cao hiện nay, giúp tăng lợi nhuận cho nhà máy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.