Theo chính quyền địa phương, trong số 8 hộ sản xuất khô cá tra và cá chim trắng “chui”, có 5 cơ sở chế biến lớn, sử dụng bình quân 1 tấn cá nguyên liệu và 3 hộ nhỏ sử dụng từ 20-50 kg cá nguyên liệu/ngày. Quá trình sản xuất, nước rửa cá, đều được thải trực tiếp ra sông, ngay khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ông Phạm Văn Lá, ở ấp An Thái (Hòa Bình) cho biết: Đã 2 năm nay, mỗi ngày cơ sở sử dụng 1-2 tấn cá tra nguyên liệu, mua với giá 10.000-13.000 đồng/ kg, chế biến ra khoảng 400 kg khô cá. Cứ 2,2 kg cá nguyên liệu làm 1 kg khô, bán 30.000-31.000 đồng/kg. Mỗi ngày, cơ sở này xuất bán từ 500kg-1 tấn khô cho thương lái ở TP. Hồ Chí Minh. Điều đáng nói, nơi sản xuất khô của ông Lá ngay cạnh chợ xã và hệ thống nước sạch nông thôn nên gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí và nguồn nước sông Hậu phục vụ cho hệ thống nước sạch cung cấp cho nhân dân sử dụng trong sinh hoạt.
Các cơ sở sản xuất khô cá ở ấp An Thái không có giấy phép kinh doanh, không giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, không cam kết bảo vệ môi trường… đều mua nguyên liệu là cá dạt ra từ các công ty thủy sản ở An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... hay thu gom ở chợ xã, trong đó có không ít loại cá chết lâu, bủn thịt với giá chỉ từ 3.000 đến 10.000 đồng/kg. Sau đó, mang về xử lý qua muối và hóa chất tạo ra sản phẩm khô cá có thịt trắng, bóng, dai, được bán ra các tỉnh miền Đông và Khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai hoặc chở lên các huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên, rồi sau đó được vận chuyển ngược vào tỉnh An Giang và các tỉnh miền Đông với mác “Khô cá Campuchia”.
Được biết, tháng 12-2011, Đoàn kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nông-lâm và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) đến kiểm tra. Nghi ngờ, đoàn lấy mẫu khô của 2 cơ sở sản xuất khô của bà Lê Thị Nem và Võ Thanh Vũ (tại ấp An Thái) xét nghiệm và cho kết quả nhiễm nghiêm trọng hóa chất bảo vệ thực vật Trichlorfon với hàm lượng vượt 8.446,77µg/kg trong khô cá tra và 13.413µg/kg trong khô cá chim. Đồng thời, ngày 20-8-2012, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản phối hợp Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và Cảnh sát Giao thông đã phát hiện, bắt giữ xe tải chở 2,99 tấn khô cá của các cơ sở sản xuất ở ấp An Thái chạy về hướng Tịnh Biên, tất cả đều bị nhiễm Trichlorfon. Ngày 15-5-2013, Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản tiếp tục kiểm tra 8 cơ sở sản xuất khô tại đây, nhưng chỉ kiểm tra được 2 cơ sở của bà Lê Thị Nem và ông Nguyễn Văn Sanh, còn lại 6 cơ sở đã đóng cửa và bất hợp tác. Qua đó, đã phát hiện niêm phong và tiêu hủy 124 kg khô cá nhiễm Trichlorfon.
Chợ Mới vốn có nghề chế biến khô cá truyền thống, nổi tiếng có nhãn hiệu tập thể như khô cá lóc, cá chạch, cá nhái “Sáu Tâm”, “Nhựt Tâm”, “Kim Huê”, “Kim Cúc”…. giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, trong đó nghề làm khô ấp An Thái tạo việc làm cho gần 100 lao động ổn định thu nhập khá, nhiều hộ nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Trần Hồng Bon cho biết, để không làm ảnh hưởng đến thương hiệu “Khô cá Chợ Mới”, huyện sẽ phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát các cơ sở sản xuất chế biến khô ở xã Hòa Bình, đồng thời tiến hành mở lớp tập huấn cho các hộ về quy trình chế biến, sử dụng phụ gia và xử lý chất thải, nước thải trong quá trình sản xuất chế biến, nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm khô cá, để các cơ sở sản xuất chế biến và tiêu thụ công khai, có nhãn mác...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông-lâm và thủy sản Ngô Đình Sỹ, để các cơ sở này tồn tại và phát triển cần chấn chỉnh nhiều mặt, đã đến lúc chính quyền và các ngành liên quan của huyện Chợ Mới, UBND xã Hòa Bình phải tăng cường tuyên truyền vận động để các cơ sở thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đồng thời phải xử lý thật nghiêm và có biện pháp chế tài đối với những trường hợp cố tình vi phạm.